Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD-ĐT |
Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, cho biết:
- Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các trường đại học đều đã công bố điểm trúng tuyển vào trường.
Theo thống kê chưa đầy đủ thì trên 90% điểm chuẩn các ngành đào tạo của các trường ĐH đều nằm trong khoảng từ 18-26 điểm. Chỉ có một số ngành thuộc các trường khối công an, quân đội và ngành y đa khoa của một số trường ĐH danh tiếng có điểm chuẩn từ 29 điểm trở lên và cũng còn khá nhiều ngành điểm trúng tuyển bằng với “điểm sàn” theo qui định của Bộ GD-ĐT.
Với mặt bằng điểm chuẩn của các ngành, các trường như thống kê trên đã được các trường ĐH dự báo ngay trong quá trình công bố và phân tích phổ điểm của kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.
* Vậy Bộ GD-ĐT đánh giá và lý giải thế nào về mức điểm chuẩn tăng đột biến trong tuyển sinh ĐH 2017?
- Điểm trúng tuyển cao ở một số ít ngành đào tạo có nguyên nhân chính là phương thức xét tuyển ĐH năm nay đã tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh lựa chọn ngành học mà các em yêu thích chứ không phải lựa chọn trường ĐH để có thể đỗ ĐH.
Cụ thể, qui chế tuyển sinh năm 2017 qui định việc xét bình đẳng giữa các nguyện vọng và mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất thì việc các thí sinh đổ dồn vào cách ngành có tính cạnh tranh cao nhất là điều hết sức dễ hiểu.
Bên cạnh đó, các trường khối Công an, Quân đội thu hút nhiều thí sinh điểm cao trong các năm trước (cả trình độ ĐH và CĐ) thì năm nay giảm rất nhiều chỉ tiêu nên điểm trúng tuyển của hầu hết các trường thuộc khối này đều tăng cao hơn năm trước.
Cụ thể, năm nay, các trường Công an, Quân đội giảm toàn bộ chỉ tiêu trình độ cao đẳng; đối với trình độ đại học thì giảm hơn 54% chỉ tiêu ở khối Công an và giảm hơn 32% chỉ tiêu ở khối Quân đội.
Ngoài ra, việc nhiều trường công bố điểm trúng tuyển bao gồm cả điểm ưu tiên và nhiều trường/ngành có phân biệt điểm môn chính nhân hệ số, xét tuyển theo thang điểm 40 nên nhìn vào hình thức, tạo ra cảm giác điểm trúng tuyển rất cao, nhưng đó không phải là điểm thực của tổ hợp ba môn thi (do có một môn được tính điểm hai lần trong điểm tổ hợp xét tuyển hoặc đã bao gồm điểm ưu tiên… ).
“Việc nhiều trường công bố điểm trúng tuyển bao gồm cả điểm ưu tiên và nhiều trường, ngành có phân biệt điểm môn chính nhân hệ số, xét tuyển theo thang điểm 40 nên nhìn vào hình thức, tạo ra cảm giác điểm trúng tuyển rất cao, nhưng đó không phải là điểm thực của tổ hợp ba môn thi (do có một môn được tính điểm hai lần trong điểm tổ hợp xét tuyển hoặc đã bao gồm điểm ưu tiên… )” Bà Nguyễn Thị Kim Phụng |
* Nhiều thí sinh điểm cao những vẫn trượt ĐH vì không có điểm ưu tiên. Có thí sinh Hà Nội đạt 29,15 được làm tròn thành 29,25 điểm, nhưng vẫn trượt y đa khoa Trường ĐH Y Hà Nội. Thí sinh cho rằng đây là điều bất công với học sinh giỏi. Còn bà nghĩ sao về câu chuyện này?
- Trên các trang tư vấn tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, các sở GD-ĐT, các trường CĐ, ĐH và trên các phương tiện thông tin đại chúng đều khuyên các em nên chọn trường, chọn ngành mà mình yêu thích nhưng cần chọn một số trường có mức điểm phù hợp với mức điểm thí sinh đã đạt được (có trường cao để phấn đấu, có trường vừa sức để nâng cao khả năng trúng tuyển, có trường thấp hơn để phòng rủi ro…).
Ví dụ: nếu thích Y đa khoa, các em có thể đăng ký vào ĐH Y Hà Nội nhưng vẫn nên tìm hiểu và có thể chọn các trường Y Thái Bình, Y Hải Phòng, Y Thái nguyên, Y tế công cộng, Đại học Điều dưỡng… để sắp xếp theo thứ tự ưu tiên phù hợp.
Tất cả các trường này đều lấy thấp hơn mức 29,25 nên chắc chắn sẽ đỗ vào ngành yêu thích.
Nếu chọn ĐH Y Hà Nội là nguyện vọng duy nhất hay cuối cùng thì rõ ràng tỷ lệ rủi ro rất cao.
Quy chế đã cho các em đăng ký xét tuyển lần thứ nhất để chọn trường, chọn ngành theo nguyện vọng, sở trường và có đủ thời gian để phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra.
Sau khi biết điểm, thí sinh được thay đổi nguyện vọng cho phù hợp với điểm thi.
Khi thay đổi nguyện vọng, các em đã có đủ thông tin về điểm thi, phổ điểm (biết tương quan điểm với những người cùng thi), mức điểm trúng tuyển những năm trước của trường dự kiến đăng ký trong đề án tuyển sinh của trường (biết tương quan điểm giữa các trường cùng ngành đào tạo)… để đưa ra quyết định chính xác nhất.
Về trường hợp thí sinh đạt 29,25 điểm vẫn trượt ngành y đa khoa - ĐH Y Hà Nội, trước hết phải khẳng định đây là trường hợp cá biệt rất đáng tiếc.
Đây là thí sinh đạt điểm rất cao để có thể đỗ vào nhiều trường đại học danh tiếng. Em chỉ không may mắn mà thôi.
Còn chính sách cộng điểm ưu tiên thì đã được thực hiện nhiều năm nay rồi. Khi còn có sự chênh lệch về điều kiện học tập giữa các thành phố, vùng nông thôn và đặc biệt là miền núi… thì chính sách ưu tiên là cần thiết để đảm bảo công bằng xã hội.
Tôi tin là thí sinh này sẽ tìm được hướng đi phù hợp vì em là người có năng lực học tập thực sự.
* Có chuyên gia cho rằng điểm thi cao làm điểm chuẩn tăng cao đã đẩy các trường vào thế khó, đau đầu với đủ loại tiêu chí phụ để sàng lọc thí sinh cho vừa vặn với chỉ tiêu. Trong khi đó, Bộ GD-ĐT lại đánh giá đợt 1 tuyển sinh năm nay “đã đạt được tiêu chí nhanh gọn, thuận lợi, nhẹ nhàng, hiệu quả”. Đánh giá của Bộ GD-ĐT liệu có mâu thuẫn với thực tế tuyển sinh của các trường ĐH, thưa bà?
- Thời điểm này đã có kết quả xét tuyển đợt 1. Hầu hết các trường và thí sinh đều khá hài lòng về kết quả xét tuyển.
Với phổ điểm đều, cơ sở dữ liệu tương đối đồng bộ, ứng dụng công nghệ thông tin khá triệt để, quy trình xét tuyển hợp lý… nên kết quả trúng tuyển của thí sinh và tỷ lệ tuyển được của các trường đạt ở mức cao nhất trong ba năm gần đây.
Điểm số ở một số trường “top trên” khá cao do các nguyên nhân nói trên nhưng cũng là sự khẳng định uy tín của các trường trong cả hệ thống.
Còn việc dùng tiêu chí phụ (như điểm môn chính cao hơn, nguyện vọng cao hơn…) chỉ là vấn đề kỹ thuật.
Ngoài điểm của một kỳ thi, tuyển sinh còn có thể hoặc nên căn cứ vào nhiều yếu tố khác (như điểm của cả quá trình học tập, lĩnh vực năng lực sở trường, tư duy lập luận, phản biện; khả năng phản ứng…) thì mới đảm bảo công bằng trong đánh giá năng lực theo yêu cầu của ngành đào tạo.
Vì vậy, trong những trường hợp bằng điểm, các tiêu chí khác được sử dụng cũng là để đảm bảo công bằng, phù hợp với yêu cầu của ngành đào tạo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét