Nhưng khi phát biểu về nền toán học VN, GS Đỗ Đức Thái từng thẳng thắn cho rằng: “Nền toán học VN không bằng một laboratoire (phòng thí nghiệm) của toán học Pháp”.
Không hề miệt thị, mà đó là phát biểu của người thấu hiểu những khó khăn, trở ngại trong hành trình từ một học sinh đoạt giải quốc tế trở thành một nhà toán học danh tiếng.
Điều này cũng cho thấy giữa thành tích học sinh giỏi quốc tế và sự phát triển của các ngành khoa học cơ bản trong nước là hai vấn đề khác nhau.
Trong đó, việc phát hiện sớm học sinh năng khiếu chỉ là bước khởi đầu. Muốn khoa học cơ bản phát triển làm nền tảng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia, quả thật có quá nhiều việc phải làm. Đó là con đường xa, mà để đi tới đích không chỉ trông đợi vào nỗ lực của một vài cá nhân đoạt giải.
Thời điểm GS Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields, rất nhiều người đã đặt ra vấn đề: “Nếu Ngô Bảo Châu không ra nước ngoài, không sống trong môi trường học thuật của quốc gia tiến bộ thì làm sao có một giải Fields của người VN”.
Trong số những nhà khoa học thành danh lĩnh vực toán học và các lĩnh vực khoa học tự nhiên khác của VN, phần lớn cũng học tập, làm việc, nghiên cứu ở nước ngoài trước khi trở về đóng góp cho đất nước.
Điều đó cho thấy nhân tài cần có môi trường thích hợp để tiếp tục phát triển. Tựa như những chú đại bàng sẽ không bao giờ có thể sải cánh nếu không được bay trên bầu trời rộng lớn.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, thành tích của học sinh VN tham dự các kỳ Olympic quốc tế, khu vực đều ở mức cao so với các quốc gia tham dự. Nỗ lực của mỗi cá nhân học sinh đoạt giải là điều đáng trân trọng, khích lệ.
Nhưng thành tích đó không đại diện cho chất lượng nền giáo dục đại trà, càng không phải là sự bảo đảm cho việc khoa học cơ bản của VN sẽ tăng tốc.
Nhiều học sinh giỏi quốc tế đã không lựa chọn theo học các ngành khoa học cơ bản, mà rẽ ngang sang học ngành khác.
Lý do chính của sự rẽ ngang đó là họ không đủ tin tưởng để dấn thân vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản - con đường cần nhiều nỗ lực nhưng lại chưa được hưởng những ưu tiên, ưu đãi xứng đáng.
Sự chưa tương xứng không chỉ nằm ở cơ hội học tập, mà quan trọng hơn cả là cơ hội để nghiên cứu, là những chính sách đủ cho họ yên tâm với cuộc sống để tập trung cho khoa học.
Những năm gần đây, Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm tới việc thu hút người tài vào lĩnh vực khoa học cơ bản, nhưng từ chủ trương tới các chính sách và việc thực hiện vẫn còn khoảng cách khá xa.
Điều đó chưa đủ để tạo nên các cú huých đủ mạnh thu hút người trẻ nói chung và những học sinh đoạt giải thưởng quốc tế nói riêng tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu khoa học.
Để có thể thu hút những học sinh có năng khiếu hôm nay dấn bước vào con đường khoa học, dường như không phải chỉ là suất học bổng hay ưu tiên tuyển thẳng vào ĐH, mà môi trường học thuật cũng cần được cải thiện và hội nhập, tạo cơ hội nhiều hơn cho những người trẻ được học tập và nghiên cứu với niềm đam mê của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét