Thứ Hai, 18 tháng 9, 2017

Chương trình môn học mới sẽ được công bố lấy ý kiến vào tháng 10


Theo dự kiến, vào khoảng nửa đầu tháng 10 tới, Bộ GD-ĐT sẽ công bố chương trình các môn học của Chương trình GDPT mới để lấy ý kiến xã hội.






Thông tin trên được GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới xác nhận sáng 18/9.


Theo GS Thuyết, đây là "kế hoạch" của ban soạn thảo chương trình và hy vọng sẽ thực hiện được.


Thời gian lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các tầng lớp xã hội về chương trình môn học mới sẽ kéo dài trong 60 ngày. Sau đó, ban soạn thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện dựa trên những ý kiến đóng góp.



 

"Sau khi được thẩm định, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành toàn bộ chương trình môn học để triển khai công việc tiếp theo" - GS Thuyết cho hay.

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT  mới cho biết, chương trình các môn học và hoạt động giáo dục sẽ được công bố vào giữa tháng 10 tới. Ảnh: Lê Văn

Trước đó, ngày 27/7, Bộ GD-ĐT cũng chính thức thông qua Chương trình GDPT tổng thể làm cơ sở để triển khai chương trình môn học và biên soạn sách giáo khoa.


Tại thời điểm đó, thông tin từ Bộ GD-ĐT cho hay, theo Bộ GD-ĐT, chương trình tổng thể sẽ được tiếp tục xem xét để ban hành chính thức cùng với các chương trình môn học và hoạt động giáo dục theo kế hoạch công bố vào tháng 9.


Liên quan tới chương trình GDPT mới, tại hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 diễn ra mới đây, nhiều địa phương đã đề nghị lùi thời điểm triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới mà theo Nghị quyết 88 của Quốc hội là từ năm học 2018-2019 tới đây.


Trước đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng có ý kiến đề nghị Bộ GD-ĐT cân nhắc lùi thời gian triển khai chương trình sách giáo khoa mới để đảm bảo chất lượng cũng như các điều kiện để triển khai.


Lê Văn

Có giòi trong khay đựng thức ăn trưa của học sinh tiểu học


Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình, Hà Nội)

xác nhận thông tin khay đựng thức ăn bữa trưa của học sinh có giòi và đang tìm hiểu nguyên nhân.


Mới đây, trên mạng xã hội có thông tin phản ánh về việc trong bữa trưa ngày 12/9 của học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình, TP Hà Nội) xuất hiện giòi trong hai khay đựng thức ăn. 


Ngay sau đó, một nhóm phụ huynh đã lên gặp đại diện nhà trường để làm rõ sự việc.

Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội

Trao đổi với VietNamNet, bà Lê Thị Mai, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám xác nhận có diễn ra sự việc như vậy. 



 

Ngay sau đó, các cơ quan chức năng gồm Cục An toàn thực phẩm, Trung tâm Y tế quận Ba Đình, công an… đã đến trường để tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra.


“Hiện tại, chúng tôi đang chờ kết luận của cơ quan chức năng, nhưng hoàn toàn không phải do nguồn thực phẩm có vấn đề” - bà Mai khẳng định.


Trước đó, ngày 17/9, trả lời báo chí, ông Nguyễn Đắc Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT quận Ba Đình (TP Hà Nội), cho biết báo cáo ban đầu từ trường giải thích lý do sau bữa ăn trưa ngày thứ 6, nhân viên phục vụ rửa không sạch sẽ nên khi để hai khay dính vào nhau qua hai ngày thứ 7 và chủ nhật đã xuất hiện giòi.


Theo bà Mai, Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám đã yêu cầu công ty đối tác phụ trách khâu cung cấp suất ăn học sinh cho nghỉ việc đối với hai nhân viên phụ trách khâu dọn dẹp, rửa bát, rửa khay có liên quan tới sự việc.


Thanh Hùng

“Fun” và “funny” có gì khác nhau?


“Fun” vừa là tính từ vừa là danh từ, còn “funny” lại chỉ tồn tại dưới dạng tính từ.






“Fun” vừa là tính từ, vừa là danh từ, được dùng khi bạn đang vui vẻ với chính bản thân mình và tận hưởng một khoảng thời gian tuyệt vời.


Ví dụ: 


• An amusement park is fun because you enjoy yourself and have a good time there/ Công viên trò chơi rất vui vì bạn được tận hưởng khoảng thời gian vui vẻ ở đó.



 

• The roller coaster ride was fun/ Trò tàu lượn chơi thật là vui.


“Funny” lại chỉ tồn tại dưới dạng tính từ, ý chỉ một tình huống, hay một người nào đó làm bạn buồn cười.


Ví dụ: 


• A comedian is funny because he/she will tell you jokes that make you laugh/ Một nghệ sĩ hài buồn cười vì anh ấy/ cô ấy sẽ kể những câu chuyện khiến bạn bật cười.


• Her jokes were very funny/ Những câu chuyện của cô ấy thực sự rất buồn cười.


Kim Ngân

Đầu năm học, hội phụ huynh "cật lực" thu tiền


- Nhiều phụ huynh ở TP.HCM cho biết năm nào họ cũng đóng quỹ lên tới hàng triệu đồng với lý do sửa sang lớp học và hỗ trợ nhà trường. Khoản này được thu dưới hình thức tự nguyện do Ban đại diện cha mẹ học sinh kêu gọi.






Quỹ Hội phụ huynh thu tiền tỉ


Phụ huynh lớp 1/7, Trường Tiểu học Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình, TP.HCM cho biết vào đầu năm học, Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp đã đề xuất sơn sửa lại lớp học, gắn máy lạnh, lót sàn gạch, mua sắm tivi, kệ tủ, công tơ điện riêng, mua sắm bàn ghế với kinh khí hơn 100 triệu đồng. 


Theo tính toán của Ban đại diện này, với sĩ số lớp là 35 học sinh, mỗi phụ huynh sẽ phải đóng 3 triệu đồng. Tuy nhiên, khi hoàn tất các hạng mục thì kinh phí bị đội lên nên Ban đại diện tiếp tục kêu gọi phụ huynh đóng thêm tiền. 


Trước bức xúc của phụ huynh, lãnh đạo trường này cho biết việc lớp 1/7 sửa chữa lớp học và thay mới bàn ghế là do đề xuất của Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp, không phải do trường chủ trì. 


Lãnh đạo trường này giải thích, khi Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp 1/7 đưa bản liệt kê hạng mục sửa chữa lên, có một số đầu việc trường không đồng ý như lát lại sàn nhà, thay mới bàn ghế vì vẫn còn dùng được. Tuy nhiên, Ban đại diện đã “năn nỉ” nên trường cho phép làm. 


Được biết, tại Trường Tiểu học Lê Văn Sỹ, Ban đại diện cha mẹ học sinh nhiều lớp khác cũng kêu gọi phụ huynh đóng góp để lắp máy lạnh.




Phụ huynh ký tên nhất trí với những nội dung trong cuộc họp phụ huynh tại một trường tiểu học ở TP.HCM

Chị Nguyễn Thị Hoa có con học lớp 4 tại Trường Tiểu học Võ Trường Toản, Quận 10, cho biết trong ngày họp phụ huynh hôm qua (17/9), nhà trường đã thông báo các khoản thu đầu năm. 


Trung bình mỗi tháng chị Hoa đóng hơn 1 triệu đồng, là những khoản chị cảm thấy hợp lý như tiền ăn 30.000 đồng/ngày, học phí buổi hai 60.000 đồng/tháng, phục vụ và quản lý bán trú 150.000 đồng/tháng, vệ sinh bán trú 30.000 đồng/tháng. Ngoài ra có các khoản như tin học, nước uống, sổ liên lạc điện tử…



 

Tuy nhiên, điều chị Hoa thắc mắc là Hội phụ huynh lại đề xuất và thu 720.000 đồng/năm để ủng hộ nhà trường tổ chức các ngày lễ, tổ chức khai giảng, tham quan, hỗ trợ giáo viên.


“Đây là năm thứ tư con tôi học ở trường, và mỗi năm đều tôi đều đóng trên 700.000 đồng cho quỹ Hội phụ huynh. Lớp con tôi có 35 học sinh, còn tính sơ sơ toàn trường có hơn 2.000 học sinh, như vậy mỗi năm Hội phụ huynh trường thu đều của chúng tôi trên dưới 1,5 tỷ đồng. Dù vậy, chúng tôi lại không biết cụ thể số tiền này được chi cho việc gì, sử dụng như thế nào” - chị Hoa bức xúc.


Chị Nguyễn Thùy Dương có con học tại Trường THCS An Phú, Quận 2, cho biết dù chưa họp đầu năm nhưng Ban đại diện cha mẹ học sinh đã thông báo thu quỹ 600.000 đồng/phụ huynh/năm. Phụ huynh có thể đóng theo kỳ, mỗi kỳ 300.000 đồng hoặc đóng một lần cả năm.


Ban đại diện phụ huynh "tiếp tay" hay cũng chịu sức ép?


Một báo cáo công khai thu chi quỹ Hội phụ huynh của một trường tiểu học tại TP.HCM năm học 2016-2017 đã tiết lộ những khoản thu và chi khủng do Hội phụ huynh chủ trì. Theo đó, trong năm học trước, Hội phụ huynh của trường này đã thu tới hơn 350 triệu đồng. Và trong một năm, Hội chi những khoản lớn như mua ba-lô khen thưởng học sinh 99 triệu đồng, mua vở khen thưởng 35 triệu đồng, cấp kinh phí cho học sinh đi thi 20 triệu đồng, chi cho các công trình vệ sinh của trường 86 triệu đồng…


Còn thư ngỏ của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 3/2 Trường Tiểu học Hòa Bình, Quận 1 gửi phụ huynh đưa ra nội dung: “Hiện nay, sàn của lớp đã cũ nên buổi trưa các bé phải ngủ trên bàn ghế. Để đảm bảo giấc ngủ trưa của các bé được an toàn và ngon giấc, Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 3/2 dự kiến lót sàn gỗ cho lớp với kinh phí 14 triệu (giá tham khảo lớp 4/1 kế bên), chia bình quân mỗi học sinh 400 ngàn đồng. Rất mong nhận được sự hợp tác của quý phụ huynh lớp 3/2”.



Thư ngỏ đóng tiền của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 3/2 Trường Tiểu học Hòa Bình

Chị Trần Ngọc Hà, một thành viên trong Ban đại diện cha mẹ học sinh nhiều năm liền của Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Quận 3, cho biết chung quy lại, những khoản quỹ thu từ phụ huynh đều phụ vụ cho mục đích của trường. 


Mỗi năm, quỹ đều thu của phụ huynh để chi cho các hoạt động của trường, tổ chức các hoạt động cho học sinh, khen thưởng, hỗ trợ sửa sang cơ sở vật chất.


“Là người trong Ban đại diện cha mẹ học sinh, tôi cũng rất ngại khi năm nào cũng phải thông báo thu tiền phụ huynh. Nhưng chúng tôi cũng có những sức ép mà các phụ huynh không hiểu được” - chị Hà cho biết. 


Theo chị Hà, dù gắn với hình thức tự nguyện nhưng đa phần phụ huynh sẽ đóng đầy đủ. Tuy nhiên, có trường hợp cá biệt không đóng thì Ban đại diện cũng phải bù tiền vào vì đây là những khoản mà Ban đã hứa với trường. "Vì vậy, chúng tôi chỉ còn cách thuyết phục các phụ huynh đóng đầy đủ" - chị Hà phân trần.


Tuệ Minh

Vụ việc vợ Xuân Bắc livestream: Chờ kết luận của Thành ủy




* Liên quan đến ý kiến giảng viên Hồng Nhung nói rằng NSND Anh Tú chèn ép, can thiệp để chị không ngồi trong hội đồng chấm thi và giảng viên này có bằng chứng bằng văn bản. Nhà trường có thể giải thích rõ hơn về điều này?


- Về việc can thiệp, chèn ép nhà trường khẳng định không nhận được yêu cầu từ cá nhân NSND Anh Tú với lãnh đạo trường.


Còn những thông tin khác do giảng viên Hồng Nhung trình bày tại cuộc họp chỉ mang tính cá nhân, cũng không thấy đưa ra minh chứng trong cuộc họp để đối chất. Về vấn đề này nhà trường không có ý kiến bình luận thêm.


Hôm 11-9, vợ của NSƯT Xuân Bắc là giảng viên Nguyễn Hồng Nhung đã livestream khóc nức nở "tố" một NSND đã "can thiệp" vào việc nội bộ nhà trường, khiến chị không được xếp vào đội đồng chấm thi tốt nghiệp.


Giảng viên này cũng phản ánh tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp đến mức thầy và trò phải "lấy ghế ở bãi phế thải" ngồi.


Tuổi Trẻ online đã liên hệ với Ban giám hiệu Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.


* Xin Ban giám hiệu cho biết những nội dung nào được đề cập trong cuộc làm việc dài 9 tiếng giữa Nhà trường với giảng viên Nguyễn Hồng Nhung? Nhà trường đưa ra những giải pháp nào với từng vấn đề cụ thể được nêu ra?


- Liên quan đến sự việc này khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp tháng 6-2017, giảng viên Hồng Nhung đã trực tiếp cầm giấy đề nghị lên gặp hiệu trưởng Dương Minh Ánh thắc mắc về việc không được tham gia trong hội đồng chấm thi.


Tại buổi làm việc, hiệu trưởng nhà trường đã giải thích và cá nhân giảng viên Hồng Nhung cảm thấy thỏa đáng, không nộp giấy đề nghị.


Tuy nhiên ngày 21-8, giảng viên Hồng Nhung gửi giấy đề nghị (không phải đơn đề nghị hoặc đơn khiếu nại) lên Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường và ngày 11-9 đã thực hiện livestream trên trang cá nhân.


Sau sự việc trên, nhà trường đã tổ chức cuộc họp thành phần gồm Đảng uỷ, Ban giám hiệu, công đoàn, trưởng ban thanh tra nhân dân, bí thư chi bộ nơi giảng viên Hồng Nhung sinh hoạt, ban chủ nhiệm khoa Sân khấu và Múa, trưởng phòng tài chính kế hoạch, trưởng phòng hành chính quản trị, phó phòng đào tạo, phó phòng tổ chức và giảng viên Nguyễn Hồng Nhung...


Mục đích giải quyết những vấn đề giảng viên có bức xúc về nhà trường.


Nội dung họp tập trung giải quyết những thắc mắc theo giấy đề nghị của giảng viên Hồng Nhung về việc không được tham gia trong ban chấm thi tốt nghiệp sân khấu khóa 2014-2017; Những thông tin phản ánh về nhà trường (không có trong giấy đề nghị, đơn đề nghị) được phát tán trong livestream trên mạng xã hội.




Trong cuộc họp, các ý kiến kiến nghị, thắc mắc của giảng viên Hồng Nhung trong giấy đề nghị và những nội dung phản ánh của trên mạng xã hội được giải quyết trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, công khai văn bản, quy trình tại cuộc họp và được sự đồng thuận giữa các thành viên. Nội dung này sẽ được Đảng ủy nhà trường thông qua và báo cáo với các cơ quan cấp trên và công luận sau khi được cấp quản lý cho phép.


Đại diện trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội


* Giảng viên Hồng Nhung có chia sẻ những thông tin về cơ sở vật chất của Trường xuống cấp, thiếu và không đáp ứng được nhu cầu dạy và học. Nhà trường cho biết nguyên nhân và hướng giải quyết?


- Đây là những phản ánh đúng hiện trạng của một số phòng học khoa Sân khấu, tuy nhiên chưa thực sự khách quan vì hiện nay nhà trường đang thực hiện đầu tư theo đề nghị của khoa.


Việc chậm trễ không đúng thời hạn để phục vụ học tập đầu năm là do những nguyên nhân khách quan.


Còn ý kiến về đầu tư trang thiết bị phòng học đạt chuẩn theo yêu cầu ngành học phải do khoa đề nghị, xây dựng các hạng mục cần đầu tư theo đặc thù môn học. Nhà trường trên cơ sở đề nghị của khoa mới xin kinh phí thành phố để thực hiện.


Trong cuộc họp, vấn đề này đã được Ban giám hiệu nhà trường và khoa Sân khấu điện ảnh và Múa thống nhất thực hiện trong năm học 2017-2018.


* Với trường hợp giảng viên Hồng Nhung livestream trên mạng xã hội, trường sẽ giải quyết thế nào?


- Đây không phải là sự việc lần đầu tiên xảy ra trên mạng xã hội, có liên quan đến cán bộ, giảng viên của nhà trường.


Tuy nhiên việc dùng livestream để tạo dư luận không chính xác về nhà trường, làm ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh, uy tín và công tác đào tạo của nhà trường.


Năm 2014 nhà trường có ban hành quy định về việc phát ngôn trên mạng (Thông báo số 03/TB-ĐU của Đảng ủy và Thông báo số /TB-CĐNT ngày /4/2014 của Ban giám hiệu về việc Quy định về sử dụng mạng xã hội đối với cán bộ, giảng viên và học sinh sinh viên trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội).


Những việc nội bộ nhà trường sẽ có hướng xử lý phù hợp, theo đúng pháp luật của Nhà nước và quy định của nhà trường




Thông tin về giảng viên Nguyễn Hồng Nhung (Do trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội cung cấp)


Giảng viên Nguyễn Hồng Nhung về trường làm việc từ năm 2003 tại khoa Sân khấu điện ảnh và Múa.


Giảng viên Nguyễn Hồng Nhung có bằng: Thạc sĩ Nghệ thuật sân khấu (cấp năm 2015); Đại học hệ tại chức ngành Đạo diễn sân khấu (cấp năm 2008); Cao đẳng ngành sân khấu (Diễn viên SKĐA, cấp năm 2003); Đại học hệ Tại chức ngành Quản lý kinh tế (cấp năm 2007).


Hiện nay giảng viên Hồng Nhung giảng dạy môn học chuyên ngành là Hình thể và Kỹ thuật biểu diễn, được phân công chủ nhiệm lớp diễn viên sân khấu.

Bến Tre thanh tra các khoản thu chi đầu năm học


Bến Tre thanh tra các khoản thu chi đầu năm học


Ảnh minh họa



GD&TĐ - Sở GD&ĐT Bến Tre vừa có quyết định về việc thanh tra các khoản thu chi đầu năm học 2017 - 2018.


Theo đó, đối tượng thanh tra là Ban giám hiệu, giáo viên, nhân viên và cá nhân có liên quan tại một số trường học trên địa bàn huyện Ba Tri, Châu Thành và thành phố Bến Tre trong thời gian từ ngày 26/9/2017 đến 28/9/2017.


Cùng quyết định thanh tra, Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các trường báo cáo kết quả thực hiện các khoản thu đầu năm học 2017 - 2018. Trong đó có các khoản trường thu, nguồn xã hội hóa, việc quản lý sử dụng, những vướng mắc, kiến nghị...


Với các khoản trường thu, cần báo cáo rõ tên từng khoản thu, mức thu, tổng thu, mục đích thu/từng khoản thu; đóng theo tháng, kỳ, năm; theo văn bản nào?


Quản lý và sử dụng các nguồn thu phải nêu rõ: nguyên tắc thu, qui trình thu; hồ sơ sổ sách quản lý thu chi; qui định giữ tiền mặt; danh mục chi, định mức chi, qui trình thực hiện thu chi; việc công khai, cách quyết toán thu chi.


Nhà trường phải hoàn thành báo cáo theo đề cương, phô tô 2 bản cho đoàn thanh tra khi đến làm việc.

Đại học Thủ Dầu Một khai giảng năm học mới 2017- 2018


Đại học Thủ Dầu Một khai giảng năm học mới 2017- 2018




GD&TĐ - Ngày 18/9/2017, Trường Đại học Thủ Dầu Một ( tỉnh Bình Dương ) tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2017- 2018. Dự Lễ có đại diện lãnh đạo HĐND, UBND, UB Mặt trận Tổ quốc VN tỉnh Bình Dương, đại diện các cơ quan ban- ngành cấp tỉnh, một số trường ĐH có liên quan. Hơn 300 cán bộ, giảng viên (CB, GV) và trên 200 tân sinh viên (SV) khóa mới cùng dự Lễ khai giảng…


Đây là năm học thứ 8, kể từ ngày trường Cao đẳng Sư phạm Bình Dương nâng cấp thành Trường Đại học Thủ Dầu Một (ĐH TDM). Khai giảng năm học mới 2017- 2018, qua xét tuyển đã 3.850 SV trúng tuyển nhập học ĐH TDM (trên tổng số 20.189 thí sinh đăng ký dự thi).


Tổng kết năm học 2016- 2017, ĐH TDM có quy mô đào tạo 16.137 SV, với 28 chương trình đào tạo ĐH- 9 chương trình đào tạo thạc sĩ (số học viên cao học là 825 người). Kết thúc năm học này, trường có 2.354 SV tốt nghiệp (68% loại khá- giỏi)…


Trường ĐH TDM đã xây dựng xong 6 chương trình đào tạo chất lượng cao (Hệ thống Thông tin; Khoa học Môi trường; Kế toán; Quản trị Kinh doanh; Tài chính Ngân hàng; GD Tiểu học; GD Mầm non), đang chuẩn bị các điều kiện để gia nhập AUN và đánh giá 4 chương trình đào tạo theo chuẩn AUN-QA.


Hiện nay, ĐH TDM có trên 80% CB,GV và khoảng 30% SV tham gia nghiên cứu khoa học ( Trường đã đoạt 3 giải nhất, 4 giải nhì, 4 giải 3 tại cuộc thi “SV nghiên cứu khoa học Euréka” lần thứ 18; đoạt 1 giải 3 và 2 giải khuyến khích cuộc thi “SV nghiên cứu khoa học” do Bộ GD&ĐT tổ chức… ĐH TDM đã, đang hợp tác quốc tế với trên 10 quốc gia, nghiên cứu- chuyển giao công nghệ, đưa vào sản xuất với nhiều doanh nghiệp, nông dân trên địa bàn tỉnh…


635 CB, GV Trường ĐH TDM hiện đã đạt trình độ sau ĐH, trong đó GV có học vị Tiến sĩ trở lên chiếm 20,6%, đang có 97 CB, GV đang học nghiên cứu sinh trong và ngoài nước. ĐH TDM đã thành lập Hội đồng trường…


Trong năm qua, ĐH TDM đã cấp 4,9 tỷ đồng học bổng khuyến khích học tập, trợ cấp xã hội 182 triệu đồng cho SV và tạo điều kiện cho 2.303 SV vay vốn học tập. Cũng năm học qua, từ nguồn vốn sự nghiệp, ĐH TDM đã được đầu tư 29,65 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất trường lớp.