Bão số 10 đã làm hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Bình hư hỏng nặng, ước tính thiệt hại trên 205 tỷ đồng.
Theo thống kê ban đầu, hầu hết các trường đều bị tốc mái, vỡ cửa kính, sập hàng rào, hư hỏng máy vi tính, máy chiếu, sách vở, bàn ghế học sinh… Đặc biệt, có 7 trường bị sập một số phòng học.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ (có những trường mất điện chưa liên lạc được), toàn ngành giáo dục Quảng Bình có trên 40.000m2 mái nhà lớp học bị tốc mái; gần 600 bộ máy vi tính và 78 máy chiếu bị hỏng; gần 600 phòng học bị hư hỏng nặng và 11 phòng học bị sập hoàn toàn; trên 10.500 bộ sách vở; gần 1.200 bộ bàn ghế hư hỏng.
Trên 5.700m hàng rào bị sập; trên 4.700m2 cửa kính bị vỡ; trên 2.600 cây xanh bị gãy đổ do mưa bão, Quảng Trạch là địa phương phải chịu hậu quả nặng nề nhất do bão số 10, gần như trường nào cũng bị gió bão xé tan mái nhà, cây đổ ngổn ngang.
Ông Nguyễn Đức Khôi, hiệu trưởng trường THCS Quảng Đông, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch kể lại: “Sáng ngày 15/9 tôi đến trực tại trường, đến gần trưa, khi đang ngồi trong phòng thì bất ngờ nghe những tiếng động mạnh như động đất. Sau ba lần giật và rung chuyển thì toàn bộ mái tôn trên dãy nhà chính của trường bị gió bão hất văng xuống đất, các phòng nội trú của giáo viên cũng bị tốc mái, ngói vương vãi khắp nơi”.
Bên trong phòng nội trú của giáo viên Trường Tiểu học Quảng Đông |
Trường THCS Quảng Châu, huyện Quảng Trạch, là một trong những ngôi trường bị thiệt hại rất nặng do bão số 10. Năm dãy phòng đựng thiết bị thí nghiệm, máy tính, tư liệu, thư viện cho học sinh bị bão giật bay mái hoàn toàn.
Các thầy giáo Trường THPT Quảng Đông tranh thủ dọn dẹp khi bão vừa tan |
Ông Trương Quang Hà, hiệu trưởng nhà trường, cho biết dãy nhà nào cũng bị tốc mái. Sách vở, đồ dùng học tập của học sinh đều ướt sũng, cái nào phơi được thì nhà trường phơi để tận dụng, cái nào không dùng được nữa mới bỏ. Thiệt hại ước tính hơn 1 tỷ đồng.
Một lớp học tại Trường Mầm non Quảng Đông |
Còn tại Trường THCS Quảng Xuân, bão đã làm tốc mái 3 dãy phòng học, cây cối ngã đổ nằm la liệt trên sân trường. Để nhanh chóng khôi phục trường lớp, nhà trường đã thuê nhân công tháo phần mái tôn bị hư hỏng, mua tôn mới lợp lại.
Một phòng học bị sập tường |
Các thầy cô giáo cho biết dù nhà riêng cũng bị hư hỏng, nhưng họ vẫn cố gắng thu xếp đến trường dọn dẹp vệ sinh, bàn ghế, đồ dùng dạy học. Theo ông Nguyễn Thanh Lương, hiệu trưởng nhà trường, phải 1 tuần nữa mới khắc phục xong hư hỏng, lúc đó việc dạy học mới trở lại bình thường.
Trường THPT Quang Trung, xã Quảng Phú bị tốc mái |
Bị thiệt hại nặng nề nhất vẫn là Trường THPT Quang Trung, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch. Cả trường có 1.660 học sinh của 9 xã vùng Roòn, với 42 lớp học. Tại đây, toàn bộ hệ thống các dãy nhà lớp học bị tốc mái, cửa kính vỡ nát, cây xanh gãy đổ trơ trụi. Đặc biệt, khu nhà công vụ giáo viên của trường bị tốc mái hoàn toàn nên hầu hết tài sản của giáo viên bị hư hỏng.
Các cô giáo tranh thủ dọn dẹp sau bão |
Ngay sau khi bão tan, chiều ngày 15 và ngày 16/9, lãnh đạo Sở GD-ĐT Quảng Bình đã đến kiểm tra, thăm hỏi, động viên cán bộ, giáo viên một số trường trên địa bàn, đặc biệt là các trường nằm trong tâm bão thuộc huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa.
Ông Đinh Quý Nhân, Giám đốc sở GD–ĐT Quảng Bình đã lưu ý ý các trường học cần khẩn trương khắc phục hậu quả do bão gây ra nhưng phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh. Khi các trường đã tu sửa, dọn dẹp xong xuôi mới cho học sinh đi học lại. Bên cạnh đó cũng ưu tiên tu sửa lại các khu nhà nội trú cho giáo viên, để giáo viên sớm ổn định cuộc sống, yên tâm công tác.
Hải Sâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét