Hiệu trưởng: Một trong những nhân tố quyết định đổi mới giáo dục
Hiệu trưởng không chỉ đơn thuần là nhà quản lý
Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm phân tích: Mỗi trường học muốn thành công đều có những cách đi riêng trong việc tổ chức quản lý nhà trường. Song quan sát những mô hình giáo dục thành công trong nền kinh tế thị trường, trong giai đoạn đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT hiện nay thì mỗi hiệu trưởng đều phải vững vàng và giải quyết đồng bộ cả 3 yếu tố cơ bản đó là: Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo; Tổ chức và quản lý chất lượng giáo dục; vận dụng tiến bộ của khoa học giáo dục, khoa học quản lý để bồi dưỡng đội ngũ, đổi mới phương pháp giáo dục, phương pháp quản lý.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm, vai trò hiệu trưởng ở đây không chỉ là nhà quản lý đơn thuần mà trước hết họ còn phải là giáo dục, vận dụng thành thạo khoa học quản lý lẫn khoa học giáo dục. Hiệu trưởng không chỉ đóng vai trò là thủ lĩnh dẫn dắt hội đồng sư phạm mà con là người hiểu biết truyền lửa, khích lệ đội ngũ như một vị huấn luyện viên tài năng của những đội bóng danh tiếng. Để mỗi nhà giáo trong mỗi nhà trường hoàn thành trọng trách của mình, không ai khác hiệu trưởng phải là người hỗ trợ đắc lực để mỗi nhà giáo thành công trong sự nghiệp đổi mới giáo dục. Đặc biệt, Hiệu trưởng và các cán bộ quản lý trường chất lượng cao phải thấm nhuần những yêu cầu, tiêu chuẩn của người cán bộ quản lý trường học thế kỷ 21.
Còn theo tiến sỹ Trần Hữu Hoan – Phó Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục, hiệu trưởng là người có vai trò quyết định trong việc thực thi vào thực tiễn các quan điểm chỉ đạo về đổi mới GD-ĐT đến với từng giáo viên, viên chức của cơ sở giáo dục. Hiệu trưởng là người có vai trò quan trọng trong công tác đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Vì vậy, cần bồi dưỡng đội ngũ hiệu trưởng trường phổ thông giúp họ phát triển cả về năng lực quản lý, năng lực lãnh đạo, trình độ chuyên môn. Từ đó bắt kịp với yêu cầu đổi mới giáo dục.
“Để đội ngũ hiệu trưởng trường trung học phổ thông đạt được chuẩn chức danh nghề nghiệp, quản lý các hoạt động nhà trường một cách hiệu quả, rất cần tổ chức bồi dưỡng đội ngũ này về các lĩnh vực quản lý nhà trường, trong đó việc quản lý phát triển chương trình giáo dục trung học phổ thông là việc làm đầu tiên có tính cấp bách. Qua đó, giúp đội ngũ hiệu trưởng quán triệt chủ trương, định hướng phát triển chương trình giáo dục, chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Đồng thời hiểu và thống nhất các khái niệm về chương trình giáo dục. Mặt khác cung cấp các kiến thức cốt lõi về khoa học phát triển chương trình giáo dục” - Tiến sỹ Trần Hữu Hoan nhấn mạnh.
Cũng theo tiến sỹ Trần Hữu Hoan, nội dung bồi dưỡng cần tập trung vào việc quán triệt chủ trương đổi mới trong xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chương trình môn học chuyên đề học tập và hoạt động giáo dục, thống nhất cách hiểu các khái niệm về chương trình giáo dục. Đồng thời chỉ rõ cơ sở khoa học và thực tiễn của việc xây dựng chương trình giáo dục, chương trình môn học hoạt động giáo dục, các nguyên tắc phát triển chương trình giáo dục, chương trình môn học, các cách tiếp cận trong thiết kế và xây dựng chương trình giáo dục; nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn nội dung cho môn học, chuyên đề học tập và hoạt động giáo dục.
“Nội dung bồi dưỡng cần tập trung phân tích các mô hình xây dựng chương trình giáo dục, quy trình phát triển chương trình giáo dục, chương trình môn học; tổ chức thực thi chương trình giáo dục; vận dụng các hình thức tổ chức dạy học, phương pháp dạy học, giáo dục phù hợp với chương trình mới theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học. Mặt khác đánh giá chương trình giáo dục với mục đích cải tiến, cập nhật và hoàn thiện chương trình giáo dục, chương trình môn học; tiêu chí đánh giá chương trình quy trình, quy trình tổ chức đánh giá” - Tiến sỹ Trần Hữu Hoan trao đổi.
Kinh nghiệm của một số nước của ASEAN
Lấy ví dụ từ một số nước trong khu vực ASEAN, tiến sỹ Nguyễn Thị Tuyết Hạnh – Học viện Quản lý Giáo dục – cho biết: Ở Singapore, từ việc xác định vai trò của hiệu trưởng trong việc thực hiện mục tiêu “mang đến một sự giáo dục tốt nhất cho học sinh”, họ đã xây dựng chương trình bồi dưỡng hiệu trưởng trên cơ sở tích hợp từ các chương trình bồi dưỡng tiên tiến trên thế giới. Singapore thực hiện bồi dưỡng phát triển cán bộ quản lý trường học một cách hệ thống từ tổ trưởng chuyên môn đến phó hiệu trưởng và hiệu trưởng. Các hiệu trưởng phải được bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm. Khi nhậm chức, họ lại được bồi dưỡng thường xuyên hàng năm với các chuyên đề cập nhật hoặc học tập thông qua các chuyến thực tế trong và ngoài nước. Việc bồi dưỡng hiệu của Singapore được đặt trọng tâm vào các vấn đề giúp hiệu trưởng thực hiện tốt vai trò lãnh đạo chuyển đổi trường học như: Hoạch định chiến lược, lãnh đạo quản lý sự thay đổi, huy động nguồn lực phát triển nhà trường, xây dựng văn hóa trường học và giáo dục toàn diện học sinh.
Còn tại Malaysia, Chính phủ đất nước này đã quyết tâm đưa giáo dục của đất nước mình trở thành một nền giáo dục xuất sắc trên thế giới. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng cơ sở vật chất dạy và học, Malaysia rất chú trọng nguồn lực giáo viên và huấn luyện cán bộ quản lý trường học. Kế hoạch quốc gia đã xác định mục tiêu trong việc thúc đẩy hiệu trưởng trở thành những nhà lãnh đạo cáo tầm nhìn, hướng tới hệ thống giáo dục đẳng cấp trên thế giới bằng cách phát triển tối đa tiềm năng của cá nhân để đạt được sự xuất sắc. Tất cả các hiệu trưởng, cán bộ quản lý của tất cả các cấp học đều được bồi dưỡng và đào tạo ngắn hạn tại Viện Quản lý và lãnh đạo cấp Giáo dục quốc gia. Toàn bộ kinh phí khóa học bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên và cán bộ quản lý đều được Chính phủ tài trợ. Trong quá trình học, các học viên được cập nhật những tri thức mới về chuyên môn và quản lý, đồng thời họ được đi thực tế tham quan và khảo sát các cơ sở giáo dục. Kết thúc khóa học, tất cả học viên phải báo cáo trước Viện về những tri thức thu được và bài học kinh nghiệm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét