Chủ Nhật, 17 tháng 9, 2017

Con đường tới lớp học tiến sĩ của nữ tù nhân giết con trai


Michelle Jones vừa ra tù hồi tháng trước sau hơn 20 năm “bóc lịch” ở một nhà tù thuộc bang Indiana, nước Mỹ vì tội sát hại cậu con trai 4 tuổi. Ngay ngày hôm sau, cô tới ĐH New York để trở thành một nghiên cứu sinh Tiến sĩ đầy hứa hẹn của ngành Mỹ học.


Nữ tù Jones, 45 tuổi, hiện đang trở thành một học giả về lịch sử Mỹ sau khi có một cuộc hoàn lương đầy ngoạn mục từ khi ở tù. 


Cô giới thiệu các tác phẩm của mình trong những cuộc hội thảo của các sử gia và Đại hội đồng Indiana qua chế độ “video conference” (họp qua video). Không có Internet trong tù, chỉ có một thư viện toàn là những tiểu thuyết lãng mạn, cô dẫn dắt một nhóm tù nhân miệt mài nghiên cứu qua hàng tập tài liệu được sao chép từ Văn phòng Lưu trữ bang Indiana để thực hiện dự án nghiên cứu xuất sắc nhất Hiệp hội Lịch sử Indiana vào năm ngoái. 


Là một tù nhân mang mã số 970554, Jones cũng viết một vài tác phẩm khiêu vũ và kịch lịch sử mà một trong số đó, theo dự kiến, cũng được biểu diễn ở một nhà hát của Indianapolis vào tháng 12 tới.




Michelle Jones – nghiên cứu sinh Tiến sĩ ở ĐH New York – vừa được trả tự do hồi tháng 8 sau 20 năm ngồi tù

ĐH New York là một trong số những ngôi trường hàng đầu đã nhận cô cho chương trình đào tạo tiến sĩ của mình. Jones cũng là một trong số 18 người được chọn từ hơn 300 ứng viên nộp đơn cho chương trình lịch sử của ĐH Harvard. Tuy nhiên, một bộ phận có thẩm quyền cao hơn khoa Lịch sử đã sử dụng quyền hạn của mình để can thiệp vào việc chọn sinh viên của khoa này – đây cũng là một hành động hiếm hoi của Harvard. Những người có quyền lực cao nhất của Harvard đã từ chối Jones sau khi một số giáo sư đưa ra những lo ngại rằng cô đã cố tình mô tả nhẹ đi tội của mình trong quá trình ứng tuyển.


Elizabeth Hinton – một trong những nhà sử học của Harvard ủng hộ Jones, đã gọi cô là “một trong những ứng viên mạnh mẽ nhất đất nước này vào năm ngoái”. Bà nói, trường hợp của Jones đã đặt ra một câu hỏi về việc “chúng ta thực sự có bao nhiêu niềm tin về khả năng hoàn lương của một con người?”.


The Marshall Project – một cơ quan tin tức phi lợi nhuận chuyên tập trung vào vấn đề hình sự - đã có trong tay những email nội bộ và các bản ghi nhớ liên quan tới đơn ứng tuyển của Jones. Họ cũng phỏng vấn 8 giáo sư và lãnh đạo trường – những người có liên quan trong việc xem xét trường hợp của Jones.


Theo thông tin từ các email và cuộc phỏng vấn, các quan chức cấp cao nhất của Harvard đã tán thành tuyệt đối với các quyết định của khoa trong trường hợp này. Tuy nhiên, bộ phận lãnh đạo nhà trường – gồm hiệu trưởng Harvard, hiệu trưởng trường trực thuộc và các giám đốc trường cao học – thì phản đối. Họ viện dẫn những lo ngại cho rằng lý lịch của cô sẽ khiến các ứng viên bị từ chối, các bậc phụ huynh và những từ báo bảo thủ phản ứng dữ dội.


Giám đốc tuyển sinh của Trường Cao học Nghệ thuật và Khoa học Harvard đã từ chối trả lời phỏng vấn về vấn đề này. Một phát ngôn viên của trường cũng không hồi đáp 8 câu hỏi phỏng vấn của New York Times về vụ việc, mà chỉ nói rằng “theo quy định của trường, chúng tôi không bình luận về các ứng viên”.


Thay vào đó, phát ngôn viên này đưa ra một tuyên bố chung chung, rằng nhà trường “cam kết tuyển dụng và tuyển sinh các ứng viên tới từ mọi hoàn cảnh” và “cố gắng tạo ra một môi trường hòa nhập và hỗ trợ, nơi mà tất cả sinh viên đều có thể phát triển”.


Jones mang bầu năm 14 tuổi mà theo như cô nói là do “tình dục bị ép buộc” với một học sinh trung học khóa trên. Theo lời của công tố viên, mẹ cô đã phản ứng với bi kịch này bằng cách đánh vào bụng con gái bằng một cái bảng. Sau đó, cô bị đưa vào nhiều trại trẻ và các gia đình nhận nuôi.


Theo hồ sơ ứng tuyển vào Harvard, Jones nói rằng cô bị suy nhược tâm lý sau nhiều năm bị bỏ rơi và bạo lực gia đình. Đó là lý do cô đối xử tương tự với con trai mình – cậu bé Brandon Sims.


Cậu bé qua đời vào năm 1992, trong đó nguyên nhân gây ra cái chết vẫn còn chưa rõ ràng. Thi thể cậu bé cũng chưa được tìm thấy.


Hai năm sau, trong thời gian lưu trú tại một trung tâm khủng hoảng tâm thần, Jones thừa nhận cô đã chôn con trai mà không báo cho cảnh sát, bố cậu bé hay bất kỳ người thân nào.


Tại phiên tòa, một người bạn cũ đã xác nhận rằng Jones từng thú nhận đã đánh cậu bé, sau đó để cậu ở nhà một mình nhiều ngày trong căn hộ. Cuối cùng, cô trở về nhà thì thấy con trai chết trong phòng ngủ.




Jones (ngồi giữa) trong lớp học về chính sách nhà cửa ở Nhà tù Phụ nữ Indiana, Indianapolis

Jones bị kết án 50 năm tù, nhưng được trả tự do sau 20 năm nhờ cải tạo tốt và đạt nhiều thành tích học thuật.


Trong hồ sơ nộp vào Harvard, Jones viết về Brandon: “Tôi đã tự cam kết với bản thân và với con trai rằng, tôi sẽ sống một cuộc đời hoàn lương, có ích và có giá trị với người khác suốt phần đời còn lại của mình”.


“Những người phụ nữ ấy đã ở đâu?”


Bị giam vào năm 1996, Jones làm việc 5 năm trong thư viện luật tại Nhà tù Phụ nữ Indiana và nhận được chứng chỉ trợ tá. Cô nhận bằng cử nhân của ĐH Ball State vào năm 2004, và dự thính các lớp cao học ở ĐH Indiana.


Niềm đam mê trở thành một sử gia bắt đầu vào năm 2012, khi Kelsey Kauffman – nguyên giáo sư làm tình nguyện tại nhà tù – đã khuyến khích các tù nhân nghiên cứu về nguồn gốc của chính nhà tù này, một cơ sở cải tạo đầu tiên của nước Mỹ dành cho phụ nữ được mở cửa vào năm 1873. Không lâu sau, Jones đề nghị thư viện cung cấp cho cô những cuốn sách tham khảo. Vài tháng sau khi những cuốn sách đến tay, cô lại nộp đơn mượn những cuốn tiếp theo.


Sau khi ghi chép các dữ liệu nhân khẩu học có tuổi đời hàng thế kỷ từ Nhà tù Phụ nữ Indiana, Jones đã phát hiện ra: Không có gái mại dâm trong những hồ sơ này. Cô đặt câu hỏi: “Tất cả những người phụ nữ đó đã đi đâu?”


Với sự giúp đỡ của một thủ thư, cô và một tù nhân khác nhận ra rằng một tiệm giặt là quần áo Công giáo cũng mở cửa vào khoảng thời gian đó ở Indianapolis mới thực sự là trại cải tạo dành cho những người phụ nữ bị kết tội tình dục này. Sau đó, họ lại phát hiện ra hơn 30 cơ sở tương tự trên cả nước giống như Tiệm giặt là Magdalene mới được khai quật ở Ireland.


Dưới sự dẫn dắt của Kauffman, họ viết ra những phát hiện của mình, xuất bản chúng trên một tạp chí học thuật của Indiana và giành được giải thưởng của Hiệp hội Lịch sử liên bang. Jones cũng trình bày những phát hiện này tại các hội thảo khoa học thông qua thiết bị kết nối từ xa. Cô cũng chia sẻ nhiều phát hiện khác nhau về việc lạm dụng các tù nhân đầu tiên tại Nhà tù Phụ nữ Indiana.



 

Theo dự kiến, Jones sẽ được ra tù vào tháng 10 năm nay, nhưng cô được giảm án 2 tháng để có thể bắt đầu nhập học đúng hạn chương trình tiến sĩ vào mùa thu năm nay. Jones nộp đơn cho 8 trường, trong đó Harvard là lựa chọn đầu tiên vì ở đó có các nhà sử học nghiên cứu về vấn đề nhà tù mà cô ngưỡng mộ.


Trong khi các sử gia này hoàn toàn chấp nhận đơn của cô thì cũng có những người khác của Harvard lại đặt câu hỏi không chỉ về việc Jones đã tiết lộ đủ thông tin về quá khứ của mình hay chưa, mà còn về việc liệu cô có thể chịu đựng được bầu không khí vô cùng áp lực của Harvard hay không.


Giáo sư Stauffer cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Một trong những cân nhắc của chúng tôi là, nếu như ứng viên này được nhận vào Harvard – nơi mà ai cũng là những cá nhân ưu tú trong giới tinh hoa, thì liệu cô ấy có thể chịu được sự đánh giá của người khác”.


Bản án đã được thực thi


Trong thập kỷ qua, một số trường đại học, doanh nghiệp, các cơ quan chính phủ của địa phương hay liên bang đã bắt đầu phá vỡ các rào cản ngăn những cựu tù được tiếp cận giáo dục và việc làm. Một chiến dịch mang tên “ban the box” của các nhóm quyền dân sự khiến một số cơ quan, trong đó có các trường đào tạo cao học của Harvard, đã bỏ đi câu hỏi về hồ sơ hình sự trong hồ sơ ứng tuyển ban đầu.


Hầu hết những nỗ lực này nhằm tạo một khởi đầu mới cho những người phạm tội bất bạo động, đặc biệt là những người bị bắt do bộ luật cứng rắn về tội phạm ma túy.




Vở kịch “Công nương Stringtown” do Jones viết được biểu diễn trên sân khấu của Nhà tù Phụ nữ Indiana

“Giống như chúng ta chỉ cần có đủ trí tưởng tượng và lòng can đảm để hình dung ra những cơ hội thứ hai cho những người đáng lẽ không đáng phải ngồi tù” – giáo sư Johnson cho hay.


Jones nhận được rất nhiều sự ủng hộ, trong đó có cả Heather Ann Thompson – người giành giải Pulitzer về lịch sử trong mùa xuân năm nay. Bà cũng là người gửi thư giới thiệu cho Jones. Ngoài ra còn có Diane Marge Moore – công tố viên cho rằng Jones đã nhận mức án tối đa cách đây 2 thập kỷ và và hiện đang viết một cuốn sách về vụ án này.


“Hãy nhìn xem, là một người mẹ, tôi cho rằng đó là một tội ác khủng khiếp” – bà Marger Moore, hiện đang là luật sư cho một công ty lớn ở Los Angeles, nhận định. “Thế nhưng việc mà Harvard đã làm là không phù hợp: Tôi mới là công tố viên, chứ không phải họ. Michelle Jones đã phải trả giá trong một thời gian dài, chính xác là xứng đáng với những gì cô ấy đã làm. Một bản án là một bản án”.


“Đó chính là cơ hội để chúng ta làm những thứ mà chúng ta vẫn luôn nói là đang cố gắng làm ở Harvard – việc thiết lập những cuộc đối thoại giữa các nhà khoa học và những người chứng kiến” – Walter Johnson, giám đốc một trung tâm nghiên cứu lịch sử Mỹ của Harvard cho hay.


Tuy nhiên, các giáo sư ngành Mỹ học đã nói với các quản trị viên của trường rằng “sự tường thuật đầy đủ và trung  thực là một phần quan trọng trong cộng đồng của chúng ta”. Vì thế, họ đặt ra câu hỏi, liệu Jones đã đáp ứng được tiêu chuẩn đó hay chưa khi kể về quá khứ của mình. Trong bản chia sẻ cá nhân, cô đã không nêu chi tiết sự liên quan của mình trong tội ác này, mà nói rằng cô đã bỏ Brandon ở nhà một mình khi còn đang ở độ tuổi vị thành niên, rằng cậu bé đã chết, rằng mỗi ngày cô đều vô cùng đau buồn vì cái chết của cậu bé.


Giáo sư Stauffer đã nhấn mạnh trong các cuộc phỏng vấn rằng, ông và đồng nghiệp cùng khoa – Dan Carpenter chỉ đơn giản là cố gắng đảm bảo rằng Harvard đã làm hết sức mình với hồ sơ ứng tuyển này.


“Chúng tôi không muốn cản trở sự nghiệp của Michelle Jones – người đã hoàn thành bản án của mình, người đã làm những điều tuyệt vời trong khi bị giam giữ, người đã thể hiện niềm đam mê với công việc của mình, người có một câu chuyện mà cả hai chúng tôi có thể chưa bao giờ thực sự hiểu được” – họ viết.


“Nếu như các quan chức – những người đã xem xét một cách cẩn thận vụ án này – quyết định rằng Harvard nên giữ quyết định ban đầu, thì chúng tôi cho rằng nhà trường nên làm mọi thứ trong quyền hạn và khả năng của mình để chào đón Jones tới đây và giúp đỡ cô ấy. Và chúng tôi thực sự vui mừng khi được là một phần trong nỗ lực đó” – họ nói thêm. “Chúng tôi đưa ra những lo ngại của mình với tư cách là những câu hỏi, và chúng tôi hi vọng rằng chúng được coi đúng như những câu hỏi, không hơn không kém, chứ không phải là một phán quyết ngầm hay một sự đánh giá thẳng thừng chống lại một con người và đơn ứng tuyển của cô ấy”.


Jones – trong một cuộc phỏng vấn – đã nói rằng, nếu như bất cứ ai ở Harvard muốn cô ấy giải thích chi tiết về vụ án hoặc về sự chuẩn bị của cô cho chương trình đào tạo tiến sĩ thì họ nên hỏi.


Tôi biết rằng tôi tới từ một nơi rất tăm tối, tôi bị xã hội ghê tởm” – cô nói. “Nhưng trong suốt 20 năm qua, tôi đã cố gắng làm những điều đúng đắn, bởi vì tôi vẫn quan tâm tới thế giới này, và bởi vì tôi không tin rằng quá khứ khiến cho tôi bằng cách nào đó mãi mãi không thể được học tập”.


Ngôi trường khó khăn nhất


Ngoài Harvard, Yale cũng từ chối Jones, mặc dù không rõ tội ác của cô đóng vai trò như thế nào trong quyết định này.


Tuy nhiên, cô được chào đón bởi ĐH California, Berkeley, ĐH Michigan, ĐH Kansas và ĐH New York – nơi đã gửi lời chào mừng Jones qua JPay – một ứng dụng email dành cho tù nhân.


Nếu được cho phép, Jones hi vọng sẽ được dạy trong chương trình giáo dục nhà tù của ĐH New York như một cách để nhớ về nơi cô đã từng ở. Jones cũng hi vọng sẽ bắt tàu tới Cambridge để dự một hội thảo của Harvard về lịch sử tội phạm và hình phạt ở Mỹ.


Tại ĐH New York, ông Nikhil Singh, giám đốc chương trình giáo dục nhà tù thừa nhận rằng “Michelle sẽ có nhiều điều để chứng minh”.


Vào một ngày thứ Sáu trước khi các lớp học bắt đầu, trên băng ghế trong khuôn viên của ĐH New York, Jones nói rằng bất cứ giả định nào cho rằng cô chưa sẵn sàng cho chương trình đào tạo tiến sĩ là đang đánh giá thấp lòng can đảm của cô.


“Người ta không sống sót 20 năm trong tù với bất kỳ hình thức ân sủng nào trừ khi họ có đủ kỷ luật để đọc sách và viết trong khung cảnh hỗn loạn của nơi đó” – Jones nói. “Hãy quên Harvard đi. Tôi đã tốt nghiệp từ ngôi trường khó khăn nhất”.


Nguyễn Thảo(Theo New York Times)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét