- Liên quan đến thông tin nghi vấn 40 học sinh nghi bị ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn bán trú tại Trường Tiểu học Chu Văn An (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội), các đơn vị chức năng đã xác minh làm rõ vấn đề.
Sự việc bắt đầu từ sáng ngày 13/9 khi có một số phụ huynh báo cáo với nhà trường xin cho con nghỉ ốm với lý do đau bụng, đi ngoài, một số cháu có dấu hiệu sốt.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, UBND quận Hoàng Mai, Chi cục ATTP Sở y tế Hà nội đã cử các đoàn kiểm tra xuống Trường Tiểu học Chu Văn An để kiểm tra việc thực hiện công tác bán trú của trường và xác minh thông tin.
Trường Tiểu học Chu Văn An, quận Hoàng Mai, Hà Nội. |
Theo báo cáo của nhà trường, trong số học sinh nghỉ học ngày 13/9 có 18 học sinh của nhà trường được phụ huynh thông tin có biểu hiện đau bụng, đi ngoài, buồn nôn, tuy nhiên trong đó có 3 học sinh không ăn bán trú ngày 12/9, một số học sinh theo dõi tại nhà và một số có triệu chứng tương tự nhưng do bị sốt.
Qua kiểm tra thông tin 18 học sinh, đoàn kiểm tra sơ bộ kết luận: Có 6 học sinh có triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, sốt. Trong đó 1 em bị tiêu chảy nhiễm nấm, 2 em bị nhiễm khuẩn đường ruột và 3 em bị rối loạn tiêu hóa nhẹ. Cả 6 học sinh này có ăn bán trú tại trường trưa ngày 12/9.
Theo báo cáo của Phòng GD-ĐT quận Hoàng Mai, Trường Tiểu học Chu Văn An bắt đầu tổ chức ăn bán trú cho học sinh từ ngày 6/9/2017 với 1.737 học sinh đăng ký trên tổng số 2.029 học sinh. Việc tổ chức cho học sinh ăn bán trú từ ngày 6/9 đến ngày 11/9 không có vấn đề gì xảy ra. Nhà trường có đủ điều kiện cơ sở vật chất phục vụ bếp ăn bán trú theo quy định, được cơ quan chức năng đánh giá bếp ăn đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thực đơn của các học sinh toàn trường trưa ngày 12/9 gồm: cơm, thịt nạc vai xay rim nước mắm, rau cải ngọt xào dầu ăn, canh rau cải xanh nấu thịt cùng bữa phụ chiều là sữa hộp tươi Ba Vì loại 180 ml.
Qua kiểm tra các giấy tờ pháp lý như cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm, hợp đồng nguyên tắc mua nguyên liệu thực phẩm… có đầy đủ hồ sơ theo quy định và được ghi chép cập nhật đầy đủ.
“Về nguồn thực phẩm được cung cấp, thực phẩm chế biến của trường do Công ty TNHH sản xuất và thương mại Khánh Thịnh cung cấp - đơn vị được các cơ quan chức năng đánh giá và xác nhận đủ điều kiện cung cấp thực phẩm cho bếp ăn của trường học trên địa bàn quận Hoàng Mai” - báo cáo nêu rõ.
Trao đổi với VietNamNet, bà Phạm Ngọc Thúy, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Khánh Thịnh khẳng định: “Về chất lượng nguồn thực phẩm đầu vào đều có nguồn gốc xuất xứ, được các cơ quan chức năng, nhà trường và công ty kiểm tra giám sát chặt chẽ…
Thịt tươi sống, các loại rau, củ, quả cũng được kiểm tra thường xuyên và cũng được giám sát theo chuỗi. Các đơn vị cung cấp rau cho chúng tôi cũng có mã tem mã vạch chứng minh rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Thậm chí nếu kể cả có tem đảm bảo chất lượng mà trường kiểm tra chất lượng không ổn thì vẫn không thể vào trường”.
Như vậy với tỷ lệ 6/1.700 học sinh ăn bán trú có triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, sốt, trong đó hiện 5 học sinh đã đi học trở lại bình thường, 1 học sinh tiếp tục xin nghỉ ở nhà để theo dõi.
Tuy nhiên, Phòng GD-ĐT quận Hoàng Mai cũng yêu cầu Ban giám hiệu nhà trường tiếp tục chỉ đạo theo dõi diễn biến tình hình học sinh nghỉ ốm/đi học hàng ngày, tình trạng sức khỏe của học sinh... để có biện pháp xử lý phù hợp. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và liên tục cập nhật thông tin, đồng thời phối hợp với Hội cha mẹ học sinh và các lớp thăm hỏi các cháu học sinh, tiếp tục tổ chức giám sát, điều tra phát hiện dấu hiệu liên quan đến sự cố về an toàn thực phẩm để có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát điều kiện an toàn thực phẩm bếp ăn bán trú, kịp thời báo cáo các trường hợp nghi ngờ sự cố về an toàn thực phẩm để phối hợp điều tra và có biện pháp xử lý.
Ngoài ra cần tổ chức tuyên truyền để cha mẹ học sinh an tâm việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học.
VietNamNet sẽ tiếp tục thông tin sự việc.
Thanh Hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét