Chủ Nhật, 17 tháng 9, 2017

'Tại sao học sinh phổ thông phải học đạo hàm, tích phân?'





Buổi tọa đàm diễn ra sôi nổi bởi các câu hỏi kinh điển và các khách mời trong các lĩnh vực - Ảnh: TƯỜNG HÂN


Trước câu hỏi tại sao học sinh phổ thông phải học đạo hàm, tích phân, logarit, GS.TS Trần Nam Dũng - giảng viên Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP.HCM cho rằng: "Đại chúng chỉ cần biết cộng, trừ, nhân, chia là đủ. Nhưng nếu đi vào công nghiệp, sản xuất mà chỉ có vậy thì chúng ta sẽ đưa nền nông nghiệp, công nghiệp của đất nước về thời kỳ 1.0".


Chứng minh luận điểm đó, kỹ sư Nguyễn Anh Nguyên - giám đốc công nghệ thông tin của tập đoàn tiêu dùng lớn thứ 2 trong nước, nguyên thủ khoa Đại học Bách khoa chia sẻ những bài toán doanh nghiệp tưởng phức tạp nhưng thực tế đã được giải quyết dễ dàng nhờ toán học như: dự đoán hành vi khách hàng bằng bài toán vecto riêng giá trị riêng, phân lớp khách hàng bằng ma trận...


"Nếu đủ đam mê, các giải thuật toán khô khan các bạn đang học hôm nay sẽ trở thành vũ khí cực kỳ lợi hại" - ông Nguyên chia sẻ khi chính ông đang học thêm toán vào buổi tối để phục vụ công việc.


Nhấn mạnh tư duy toán học, GS Vũ Hà Văn đang giảng dạy tại Đại học Yale (Hoa Kỳ) có mặt tại ngày hội cho rằng: "Số người nghiên cứu toán chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong số học sinh từng chuyên toán. Phần lớn mọi người chỉ cần cộng, trừ, nhân, chia cho cuộc sống hàng ngày. Nhưng quan trọng nhất, học toán để hình thành tư duy toán, tư duy phân tích, suy nghĩ độc lập, trình bày mạch lạc thể hiện trong đời sống".


Cơ hội việc làm cho người học toán cũng được các chuyên gia giới thiệu, trải qua các lĩnh vực từ xã hội nhân văn, xây dựng thiết kế, quản lý kho bãi...


Sự kiện do trường Quốc tế châu Á Thái Bình Dương (APC) tổ chức với sự bảo trợ chuyên môn của Viện nghiên cứu cao cấp về toán VIASM và các trung tâm giáo dục.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét