Tạo hành lang pháp lý vững chắc cho giáo dục đại học phát triển
Bởi trước nhiệm vụ “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, đây không chỉ là cơ sở pháp lý vững chắc, thống nhất cho sự phát triển của GDĐH, mà còn chuẩn hóa các mục tiêu đảm bảo sự hài hòa giữa trình độ giáo dục thế giới với yêu cầu phát triển, đổi mới đất nước.
Điều không thể phủ nhận rằng, Luật GDĐH năm 2012 đã tạo nền tảng pháp lý khá vững chắc cho sự nghiệp giáo dục, góp phần đưa nền giáo dục nước nhà phát triển. Các quy định của Luật GDĐH đã tạo điều kiện để ngành giáo dục mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, tăng cường hiệu quả, thực hiện công bằng xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Nhưng đúng là sau thời gian vận hành thực thi, đến nay Luật GDĐH không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nên đã và đang bộc lộ những bất cập hạn chế, dẫn tới phương pháp quản lý nhà nước đối với cơ sở GDĐH chậm được thay đổi, chưa bảo đảm yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo của toàn hệ thống, chưa phát huy mạnh mẽ được sự sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, các nhà quản lý và người học.
Nhất là trong việc chưa tạo được sự liên thông giữa các chuẩn mực GDĐH trong nước và quốc tế. Mặc dù được đặt dưới sự quản lý và giám sát chặt chẽ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng đúng là trên thực tế, khả năng liên thông kiến thức giữa các cơ sở GDĐH ở nước ta hiện nay còn rất hạn chế, ít thừa nhận và tiếp nhận các kết quả đào tạo của nhau, nên người học rất khó khăn khi chuyển trường, ngành học. Việc liên thông kiến thức giữa các cơ sở GDĐH trong nước và ngoài nước lại càng khó khăn hơn do có sự khác biệt về mục tiêu, nội dung và phương pháp đào tạo giữa các cơ sở GDĐH trong nước và quốc tế, trừ các chương trình liên kết đào tạo theo thỏa thuận…Điều này không những gây khó khăn cho người học khi muốn chuyển đến cơ sở giáo dục ngoài nước, mà ngay cả việc công nhận văn bằng, chứng chỉ của các cơ sở GDĐH trong nước tại các nước mà người học chuyển đến định cư hoặc công tác cũng không phải dễ dàng.
Bên cạnh đó cũng do những bất cập trong các quy định pháp luật còn mang tính tập trung bao cấp, nên các cơ sở GDĐH chưa có nhiều quyền tự quyết, tự chủ. Do luật khung, quy định một số vấn đề còn chung chung, nên các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về GDĐH còn phân tán, hiệu lực pháp lý không cao, dẫn tới nội dung kiến thức đào tạo còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa tạo được sự thống nhất gắn mục tiêu giáo dục với mục tiêu tìm kiếm việc làm đối với người học…
Vì vậy việc sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH trong thời điểm hiện nay vô cùng có ý nghĩa và quan trọng, không chỉ tạo cơ sở pháp lý vững chắc, thống nhất cho sự phát triển của GDĐH, mà còn xây dựng triết lý giáo dục cho nền giáo dục nước nhà chuẩn hóa các mục tiêu đảm bảo sự hài hòa giữa trình độ giáo dục thế giới với yêu cầu phát triển, đổi mới đất nước... Để từ đó mỗi trường đại học, mỗi cơ sở GDĐH có triết lý giáo dục riêng phù hợp với tôn chỉ, mục đích và hướng tới hội nhập vào dòng chảy phát triển chung của giáo dục quốc tế… cũng từ đó mà đổi mới một cách mạnh mẽ về tư duy trong tổ chức GDĐH như, thay đổi cách tuyển sinh, lựa chọn “đầu vào” theo hướng thoáng hơn; đổi mới mạnh mẽ nội dung chương trình và phương pháp dạy học theo hướng hội nhập quốc tế; tự xác định hướng phát triển của mình và thay đổi hướng phát triển phù hợp với điều kiện và nhu cầu của mỗi giai đoạn và chịu trách nhiệm với chính người học bằng chính “uy tín” đào tạo của mình …
Hay nói cách khác là chủ trương việc sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH cũng chính là nhằm triển khai cụ thể hóa Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, nó đang như thổi một luồng gió mới cho các cơ sở GDĐH đẩy mạnh việc phát triển khoa học và công nghệ, gắn với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tạo môi trường sáng tạo, cũng như việc khuyến khích thu hút các nguồn lực trong nước và quốc tế tham gia phát triển GDĐH…
Đặc biệt là gỡ bỏ các nút thắt nhằm phát triển GDĐH, kiến tạo hành lang pháp lý vững chắc, thông thoáng, hấp dẫn để các cơ sở GDĐH phát huy cao độ tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự kiểm soát bên trong của mình, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục tiến thêm những bước phát triển mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét