Lời khẩn cầu tha thiết của một phụ huynh cứ đeo đẳng tôi mãi, khiến tôi suy nghĩ rất nhiều về trách nhiệm và tình cảm của một người thầy đối với học sinh của mình. Đó cũng còn là một kỹ năng sư phạm mà tôi còn thiếu!
Năm đó, được nhà trường phân công chủ nhiệm lớp 9/3. Ngoài những công việc chuyên môn được nhà trường phân công tôi có một việc “không thể quên”, đó là thông báo các khoản tiền thu đầu năm học.
Việc thu tiền các khoản đầu năm học đối với học sinh ở vùng nông thôn như xã Diên Phú, Diên Khánh, Khánh Hòa thật là khó khăn.
Đa số cha mẹ các em làm nông, chỉ đủ ăn hàng ngày. Phải chờ đến mùa thu hoạch lúa may ra phụ huynh mới có ít tiền để trang trải cho nhiều việc.
Trong khi đó, các giáo viên luôn “được” nhà trường nhắc nhở rất nhiều, vì đây là chỉ tiêu nhà trường phải hoàn thành do cấp trên giao.
Cũng vì chỉ tiêu ấy mà giáo viên chủ nhiệm lớp phải “hò hét” hàng ngày để thu đủ các khoản theo quy định, đến mức nhiều lúc giáo viên nói đùa là “đi đòi nợ học sinh”.
Không ít đồng nghiệp vào đầu năm tâm sự: “Thật chán khi cứ gặp mặt học sinh là phải đòi tiền!”
Một sáng thức dậy, khi mở điện thoại tôi thật bất ngờ vì nhận được một tin nhắn: “Tôi là phụ huynh của em Tài. Xin thầy sáng nay đừng đọc tên con tôi chưa đóng tiền trước lớp. Tôi rất xấu hổ vì chưa có thể đóng tiền được. Chồng tôi đang bệnh mong thầy thông cảm! Cảm ơn thầy!”
Đọc dòng tin nhắn này, thật sự tôi cảm cảm thấy áy náy trong lòng dù chưa đọc tên em Tài trước lớp.
Tôi tự trách mình sao vô tình quá, không tìm hiểu hoàn cảnh học sinh để có thể giúp đỡ phần nào. Mà đó mới chính là trách nhiệm của người thầy, nhất là đối với giáo viên chủ nhiệm lớp.
Nếu không nhận được tin nhắn này, như mọi khi, sáng nay tôi sẽ đọc tên những học sinh chưa đóng tiền trước lớp. Và chắc rằng Tài sẽ rất mặc cảm với bạn bè, rồi phụ huynh em sẽ rất phiền lòng khi biết điều đó..
Thật cảm ơn phụ huynh em Tài.
Từ sau tin nhắn đó, tôi không bao giờ đọc tên học sinh chưa đóng tiền trước lớp nữa cho dù thầy hiệu trưởng trong cuộc họp có phê bình lớp 9/3 chưa hoàn thành những khoản tiền thu.
Khi thầy hiệu trưởng nhà trường gọi tôi lên văn phòng, tôi đã trao đổi với thầy về trường hợp em Tài - gia đình khó khăn không có tiền đóng, em là học sinh giỏi ba năm liền - và đề nghị nhà trường miễm cho em. Thầy hiệu trưởng đã đồng ý đưa em vào diện miễn giảm.
Có lẽ, đây là điều tôi có thể giúp em Tài và nó cũng là bài học cho tôi và đồng nghiệp: Đừng vì chỉ tiêu và thi đua.
Chúng ta nên tôn trọng nhân cách học sinh, việc nhắc nhở các em nên hết sức tế nhị. Không nên đọc tên trước lớp cũng như dưới cờ những học sinh chưa đóng tiền. Hành động vô tình này của các thầy cô có thể khiến cho học sinh, phụ huynh âu lo mất ăn mất ngủ.
Hiện nay còn nhiều trường học, nhiều thầy cô vẫn sử dụng biện pháp nêu tên học sinh vi phạm nội quy trường như không học bài, không khăn quàng, bảng tên, lô gô, thiếu dây nịt, đi dép hai quai, không đóng tiền… mà quên đi đây là việc làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm học sinh.
Dù biết rằng trường học cần phải có nội quy, quy định nhưng chúng ta nên tìm hiểu hoàn cảnh từng học sinh để có ứng xử phù hợp.
Nếu không giúp đỡ được học sinh thì đừng để các em phải tổn thương vì cách ứng xử máy móc. Bài học nhỏ này tôi mong các thầy cô nhớ ghi.
Nguyễn Văn Lực(Giáo viên Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét