Từng bị kết án 50 năm tù vì tội giết con trai 4 tuổi, sau 20 năm thụ án, bà Michelle Jones được giảm án nhiều lần và vừa được ra tù trước thời hạn để kịp nhập học chương trình nghiên cứu sinh tại ĐH New York.
Hành trình tự cứu rỗi cuộc đời của người phụ nữ nay đã 45 tuổi vừa được kể lại trong một bài báo được nhiều người đọc nhất trong những ngày qua trên báo
Quá khứ đau buồn và mối duyên sử học
Bà Jones mang thai ở tuổi 14 sau một lần quan hệ tình dục ngoài ý muốn với nam sinh cùng trường. Biết chuyện, mẹ bà nổi điên, cầm cả một tấm ván phang vào bụng con.
Theo lời công tố viên từng thụ lý vụ án của bà Jones về sau, vào thời điểm đó bà đã phải nương nhờ vào các tổ chức và gia đình khác trong cộng đồng để được yên ổn.
Trong thư trình bày hoàn cảnh cá nhân gửi cùng hồ sơ ứng tuyển vào ĐH Harvard, người phụ nữ này chia sẻ bà từng bị khủng hoảng tâm lý sau nhiều năm bị bỏ rơi và bị người nhà đánh đập.
Đó cũng là một phần cơn cớ khiến bà có những hành vi bạo hành tương tự với con trai mình, bé Brandon Sims. Cậu bé qua đời năm 1992 trong một tình huống cho tới giờ vẫn chưa rõ ràng. Thi thể em cũng chưa được tìm thấy.
Hai năm sau khi Brandon Sims mất, trong một lần ở trung tâm điều trị rối loạn tâm thần, bà Jones thừa nhận đã chôn thi thể con trai mà không báo cho cảnh sát hay cha của Brandon cũng như gia đình anh ta.
Tại phiên tòa xét xử bà, một người bạn cũ trình bày bà Jones đã thú nhận đánh đập con trai, sau đó bỏ mặc cậu bé trong căn hộ của họ nhiều ngày, rồi khi trở lại đã thấy nó tắt thở trên giường.
Bà Jones bị tòa tuyên án 50 năm trong tù. Nhưng sau 20 năm, bà được thả tự do vì quá trình cải tạo tốt và nhờ những nỗ lực trong học thuật.
Bị tống giam năm 1996, bà Jones làm trợ lý 5 năm trong thư viện luật của nhà tù nữ bang Indiana, sau đó nhận được chứng chỉ trợ lý luật sư. Bà cũng nhận được bằng cử nhân của ĐH Ball State năm 2004 và tham gia các lớp học dự thính trình độ sau ĐH tại ĐH Indiana.
Những đam mê với sử học đến với bà vào năm 2012 khi bà Kelsey Kauffman - một cựu giáo sư, tới tham gia hoạt động tình nguyện tại nhà tù nơi bà Jones. Bà Kauffman khuyến khích các nữ phạm nhân nghiên cứu về nguồn gốc trại giam của họ, một nơi mở cửa từ năm 1873 và là khu cải tạo nữ phạm nhân đầu tiên tại Mỹ.
Sau khi tra cứu tỉ mỉ các dữ liệu nhân khẩu học trong các sổ sách đăng ký hàng trăm năm của nhà tù, bà Jones phát hiện một thực tế: trại giam của bà chưa từng giam gái điếm. Với sự hỗ trợ của một thủ thư, bà cùng một người bạn tù khác phát hiện một khu nhà giặt là của người Công giáo đã được mở cùng thời điểm đó tại Indianapolis.
Và trên thực tế đó chính là một trại cải tạo cho những cô gái "một thời sa ngã". Và rồi họ còn phát hiện hơn 30 cơ sở khác tương tự như vậy trên toàn nước Mỹ.
Với sự hỗ trợ của bà Kauffman, họ đã trình bày các phát hiện trong báo cáo xuất bản trên một tạp chí học thuật của bang Indiana, sau đó giành được giải thưởng của hội sử học bang này.
Bà Jones cũng đã trình bày nghiên cứu của mình qua kết nối mạng từ xa tại nhiều hội thảo khoa học khác. Bà trở thành học giả có công trình xuất bản về lịch sử Hoa Kỳ ngay khi vẫn còn trong nhà giam.
Bị Harvard từ chối
Tháng 8 vừa qua, bà Jones được ra tù trước thời hạn 2 tháng để kịp tham gia khóa học của nghiên cứu sinh trong mùa thu năm nay. Bà đã nộp đơn ứng tuyển chương trình sau ĐH với chuyên ngành Hoa Kỳ học tại 8 trường, nhưng Harvard là lựa chọn đầu tiên vì bà vô cùng ngưỡng mộ các sử gia ở trường này.
Tuy nhiên, ĐH Harvard từ chối tiếp nhận bà Jones với hai lý do. Một phần họ cho rằng bà đã chưa thành thật trong việc trình bày về quá khứ bản thân. Phần khác họ nghi ngại bà khó có thể đương đầu nổi với không khí học thuật đầy áp lực tại ngôi trường danh giá này.
Dù vậy, bà Jones cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều người, trong đó có bà Heather Ann Thompson, người vừa đoạt giải Pulitzer về lịch sử năm nay. Bà Thompson chính là người đã viết thư giới thiệu bà Jones.
Hay như bà Diane Marger Moore, công tố viên từng đề nghị mức án tù tối đa với bà Jones cách đây 2 thập kỷ, cũng là người lên tiếng ủng hộ bà Jones. Bà Moore cũng đang viết một cuốn sách về người nữ tù đặc biệt này.
Cùng với Harvard, ĐH Yale cũng từ chối tiếp nhận bà Jones nhưng không nêu lý do. Tuy nhiên bà lại được các trường ĐH California, Berkeley; Michigan; Kansas và New York chấp nhận.
Trường ĐH New York đã gửi thư chúc mừng bà được là nghiên cứu sinh của trường thông qua ứng dụng email Jpay của nhà tù.
Mùa thu này bà Jones đã tới Manhattan để tựu trường cùng các sinh viên khác. Bà chưa bao giờ dùng smartphone, vẫn đeo cặp kính do nhà tù cấp và mang theo những hộp đựng đầy ắp các công trình nghiên cứu trong tù.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét