Chủ Nhật, 17 tháng 9, 2017

GS.TS Nguyễn Đức Chính: Cần lấy người học làm gốc


GS.TS Nguyễn Đức Chính: Cần lấy người học làm gốc


Để học sinh phát triển năng lực, sự sáng tạo cần có sự hướng dẫn, hỗ trợ của thầy, cô, nhà trường, gia đình và xã hội. Ảnh minh họa/internet



GD&TĐ - “Năng lực chỉ có thể được hình thành và phát triển trong hoạt động của từng học sinh trên cơ sở kiến thức, kỹ năng, thái độ, niềm tin, hệ giá trị... của học sinh đó”. Đó là nhận định của GS.TS Nguyễn Đức Chính - Đại học Quốc gia Hà Nội.



Cần lưu ý rằng kiểm tra đánh giá trong thực thi chương trình định hướng năng lực không nhằm xác định học sinh đó kém hay giỏi, được mấy điểm, mà chỉ đánh giá đạt được hay chưa đạt và chỉ rõ nguyên nhân, cách khắc phục.


GS.TS Nguyễn Đức Chính
Theo GS.TS Nguyễn Đức Chính, để thực hiện được mục tiêu này thì việc đầu tiên cần phải làm là: Phát triển chương trình theo định hướng năng lực, trong đó có chương trình một môn học và thực thi chương trình đó.

Vì thế năng lực phải được xem là nguyên tắc tuân thủ trong quá trình phát triển và thực thi chương trình giáo dục của cả bậc học cũng như chương trình một môn học. Điều này có thể được cụ thể hóa bằng các nội dung như:


Thứ nhất, Chương trình phải lấy sự học, người học làm gốc, làm điểm xuất phát. GS.TS Nguyễn Đức Chính – phân tích: Chương trình phải xem mỗi học sinh là một cá thể với những tiềm năng, hứng thú, sở trường, sở đoản riêng, và sứ mạng của giáo dục là tạo mọi điều kiện để mỗi học sinh phát huy hết tiềm năng của mình, bằng cách mà mình muốn và có thể.


Một lẽ rất tự nhiên là không ai học hộ được ai, mỗi người phải tự rèn luyện và phát triển những phẩm chất, năng lực của riêng mình. Đương nhiên là cần có sự hướng dẫn, hỗ trợ của thầy cô, nhà trường, gia đình và xã hội.


Thứ hai, kiến thức, kỹ năng là cơ sở để hình thành năng lực, là cơ sở để học sinh hành động nhằm giải quyết thành công những vấn đề trong cuộc sống. Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Đức Chính, những kiến thức được tiếp thu một cách thụ động không tạo ra năng lực.


Đó chỉ là những kiến thức chưa được kiểm nghiệm trong cuộc sống, không tạo ra được động lực, niềm tin… để học sinh mạnh dạn vận dụng giải quyết các vấn đề khác nhau luôn xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày.


“Như vậy, chỉ những kiến thức do học sinh tự kiến tạo, thông qua hoạt động, dưới sự tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ của thầy cô mới là những kiến thức giúp hình thành năng lực cho người học.


Trong quá trình tự kiến tạo kiến thức, kỹ năng, học sinh có thể thành công, có thể thất bại. Song trong chính quá trình đó, học sinh sẽ có những trải nghiệm có ích, giúp hình thành năng lực một cách bền vững” - GS.TS Nguyễn Đức Chính trao đổi.


Thứ ba, chỉ học những vấn đề cốt lõi


Theo GS.TS Nguyễn Đức Chính, năng lực không phát triển theo tuyến tính, mà phát triển theo hình xoắn ốc, vừa theo chiều rộng vừa theo chiều cao. Năng lực cần được rèn luyện hàng ngày, lặp đi lặp lại…


Do vậy chỉ nên tập trung vào những năng lực cốt lõi với số lượng hữu hạn để học sinh có thể có đủ thời gian và sức lực rèn luyện một cách hiệu quả.


Trong quá trình này năng lực của học sinh được phát triển tùy thuộc vào số lượng, khối lượng kiến thức cần huy động và cách xử lý các nguồn kiến thức đó để giải quyết thành công vấn đề của mình.


Hay nói cách khác, độ khó của vấn đề, tức là số lượng, khối lượng kiến thức cần huy động, cách xử lý các nguồn kiến thức đó để giải quyết thành công vấn đề, sẽ là cách thức để rèn luyện năng lực cho học sinh và cũng là cách thức đánh giá mức độ năng lực của từng học sinh.


“Với cách hiểu như vậy thì số năng lực cần rèn luyện là hữu hạn, song nguồn kiến thức cần huy động để hình thành năng lực là tùy thuộc vào từng học sinh cụ thể với những đặc trưng tâm sinh lý, trình độ học vấn, bối cảnh cuộc sống… của học sinh đó” - GS.TS Nguyễn Đức Chính lý giải.


Thứ tư, học tích hợp


Cũng theo GS.TS Nguyễn Đức Chính, kiến thức tích hợp là cơ sở quan trọng nhất để hình thành năng lực. Trong thực tiễn cuộc sống không có vấn đề nào lại có thể được giải quyết thành công chỉ bằng một kiến thức đơn lẻ.

Một vấn đề tưởng như đơn giản như ăn thế nào cho đúng cũng cần kiến thức của nhiều môn khoa học, như sinh học, hóa học, toán học… chưa kể đến những kiến thức xã hội.


Do vậy trong quá trình phát triển chương trình cũng như trong thực thi chương trình, vấn đề chương trình tích hợp, cũng như dạy học tích hợp phải được xem là những phương pháp chủ đạo.


Thứ năm, mở cửa trường học ra xã hội, lấy bối cảnh cuộc sống thực làm bối cảnh dạy học


Liên quan đến nội dung này, GS.TS Nguyễn Đức Chính – cho rằng, năng lực chỉ có thể được hình thành và phát triển khi kiến thức, kỹ năng học trong trường được vận dụng vào bối cảnh sống thực của học sinh.


Chính vì vậy, nhà trường, từng giáo viên phải biết khai thác những đặc trưng về kinh tế, văn hóa, lịch sử, địa lý, phong tục tập quán… của địa phương, giúp học sinh vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết những vấn đề của địa phương mình.


Những vấn đề, những tình huống dạy học được lấy từ chính địa phương trường đứng chân là động lực để học sinh có hứng thú vận dụng kiến thức vào cuộc sống, từ đó hình thành năng lực.


Thứ sáu, kiểm tra, đánh giá là công cụ quan trọng nhất giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực.


Đề cập đến kiểm tra, đánh giá trong giáo dục, GS.TS Nguyễn Đức Chính – nhấn mạnh: Mục đích quan trọng duy nhất là vì sự tiến bộ của học sinh trong suốt quá trình học tập.


Giúp con người tiến bộ không ngừng là chức năng nhân văn, quan trọng đặc trưng nhất của giáo dục mà không một lĩnh vực xã hội nào khác có được.


Học sinh đi học là để hôm nay tiến bộ hơn hôm qua và hơn hẳn những người kém may mắn không được đến trường. Công cụ duy nhất để giúp học sinh tiến bộ không ngừng đó chính là kiểm tra đánh giá.


“Trong phát triển và nhất là trong thực thi chương trình môn học theo định hướng năng lực thì kiểm tra đánh giá càng có vai trò quyết định. Có thể khẳng định rằng không có kiểm tra đánh giá, hoặc kiểm tra đánh giá không đúng, không tốt không thể hình thành và phát triển năng lực học sinh” - GS.TS Nguyễn Đức Chính chia sẻ, đồng thời lưu ý:


Kiểm tra đánh giá trong chương trình định hướng năng lực nhằm mục đích: Đối với một năng lực cụ thể ở một mức độ cụ thể cần chỉ rõ một học sinh cụ thể còn thiếu những kiến thức kỹ năng nào; Có thể huy động những kiến thức kỹ năng đó ở đâu;


Cần những phương pháp, cách thức nào để xử lý những kiến, thức kỹ năng đó (để học sinh đó tự chọn tùy theo sở trường của bản thân); Tiếp tục kiểm tra xem học sinh đó có thành công trong giải quyết vấn đề đó không.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét