Các khoản thu đầu năm học: Hãy “cởi trói” cho giáo viên!
Ảnh minh họa (Nguồn: Giáo dục)
GVCN được xem là “cánh tay nối dài” của Ban giám hiệu (BGH), họ không chỉ giảng dạy, giáo dục học sinh mà còn là người trực tiếp thông báo, đôn đốc, nhắc nhở học sinh hoàn thành “các khoản nghĩa vụ” đối với nhà trường. Lớp nào nộp chậm đương nhiên bị nhắc nhở, GVCN bị phê bình, lớp chủ nhiệm bị trừ điểm thi đua.
“Đau đầu” và áy náy nhất đối với GVCN trong buổi họp phụ huynh đầu năm là các khoản tiền mà phụ huynh phải đóng góp. BGH, Hội đồng trường đã quyết, GVCN chỉ biết thông báo và “vận động” phụ huynh.
Phụ huynh có ý kiến về các khoản đóng góp thì GVCN chỉ biết “xin tiếp thu” và hứa sẽ trình ý kiến đó lên BGH xem xét, và để rồi sau đó không... có gì thay đổi!
GVCN vận động phụ huynh đóng góp, đôn đốc học sinh hoàn thành các khoản tiền, đó là nhiệm vụ đối với nhà trường, hoàn toàn không có “phần trăm” nào.
Nhưng họ thật ngại khi đưa “bức thông điệp” không làm phụ huynh vui vào buổi họp phụ huynh đầu năm học. Phụ huynh đi họp mang về một “cái sớ” dài ngoằn các khoản nộp cho con, nghĩ đến GVCN, họ nghĩ đến... tiền phải nộp cho con.
Thật phiền hơn nữa khi “điệp khúc nộp tiền” liên tục được phát đi từ GVCN trong giờ sinh hoạt 15 phút đầu buổi học, tiết sinh hoạt lớp cuối tuần và bất kỳ lúc nào có thể.
Vận động, đôn đốc tất cả học sinh hoàn thành đầy đủ các khoản nghĩa vụ đúng thời hạn thật khó. Không ít gia đình học sinh khó khăn, nhiều anh chị em đi học. Một số em thì “chây ì”, vì xin tiền bố mẹ rồi tiêu mất.
Thủ quỹ nhà trường đưa danh sách thông báo xuống, GVCN phải có nghĩa vụ nhắc nhở, đôn đốc học sinh hoàn thành các khoản nộp. Nhưng nhắc nhở nhiều lần đến tiền, GVCN có cảm giác “mất thiêng”, và đôi lúc bị phụ huynh, học sinh hiểu nhầm.
Một đồng nghiệp của tôi tâm sự: Có lần chính tôi nghe các em xầm xì với nhau: “Thầy cô gì cứ thấy mặt học trò là đòi tiền !”. Dù có thể làm thầy cô phật lòng, nhưng các em nói đâu có sai.
Hình ảnh người thầy “mất thiêng” nếu “điệp khúc nộp tiền” tái hồi mãi trước học trò.
Làm GVCN vất vả, bị áp lực nhiều thứ, trong đó thật “đau đầu” với các khoản nộp từ phụ huynh.
Đầu năm học, thay vì bàn kế hoạch xây dựng tập thể lớp, kiện toàn hội phụ huynh, ban cán sự lớp, cùng phụ huynh bàn giải pháp giáo dục và quản lý học sinh... GVCN và phụ huynh lại bị “chi phối” rất nhiều thời gian và tâm lý bởi các khoản tiền.
Đọc bài “Giáo viên Khánh Hòa không phải thu, nhắc học sinh nộp tiền nữa” trên báo Tuổi trẻ, là GVCN, ai cũng rất đồng tình với cách làm rất mới, rất hợp lý của Sở GD&ĐT Khánh Hòa.
Theo đó, Sở GDĐT yêu cầu “tất cả các trường không được để giáo viên thu tiền trực tiếp từ học sinh”. Thay vào đó, “các trường phải bố trí nhân viên thu các khoản tiền theo đúng quy định và thu tại văn phòng nhà trường.
Ngay cả trường hợp cần nhắc nhở việc nộp các khoản đóng góp, nhà trường cũng phải có thông báo bằng văn bản, bỏ vào phong phì gởi đến cha mẹ học sinh”. Còn giáo viên “tuyệt đối không được nhắc trực tiếp học sinh việc nộp các khoản tiền”.
Xin chúc mừng các thầy cô chủ nhiệm ở tỉnh Khánh Hòa.
Trên diễn đàn báo chí, một bạn đọc bình luận rằng: “Năm nay Khánh Hòa có một sếp ngành giáo dục có tâm rồi”. Tôi chờ nghe thêm những chuyển biến tích cực từ ngành giáo dục Khánh Hòa”.
Thiết nghĩ, để đổi mới thành công, ngành giáo dục địa phương trước hết cần “cởi trói”cho giáo viên bằng những quyết định mang tính đột phá và nhân văn như thế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét