Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

​Kỳ thi tiếng Anh 'made in Vietnam', tại sao không?


Thí sinh tham gia vòng loại hội thi Olympic tiếng Anh 2017 - Ảnh: HÀ THANH

Đúng là các trường giúp đánh giá ngoại ngữ bằng các công cụ chưa phải tiêu chuẩn hóa, đề thi không được xây dựng theo lý thuyết đánh giá hiện đại và quy trình thi có nhiều khiếm khuyết.


Tuy nhiên, không thể nói chỉ nên dựa vào các dịch vụ đánh giá tiếng Anh của nước ngoài, vì các lý do sau đây. 


Một là, chi phí của các dịch vụ đánh giá của nước ngoài khá đắt đỏ (một lần thi TOEFL mất tối thiểu 190 USD, chưa kể phải chi trả thêm cho các dịch vụ kèm theo, đặc biệt khi có bài viết), rất không thích hợp với đa số học sinh, sinh viên và những người có nhu cầu ở nước ta.


Hai là không phải chứng chỉ nào cũng sử dụng được cho mọi yêu cầu, chẳng hạn chứng chỉ TOEIC phù hợp với mục tiêu giao tiếp nghề nghiệp hơn là học thuật.


Ba là, cứ muốn “ăn sẵn” như vậy thì bao giờ trình độ đánh giá của chúng ta mới nâng cao lên được? Hơn nữa, tại sao chúng ta không làm cái việc mà chúng ta có thể làm?


Đề án ngoại ngữ quốc gia 2008-2020 là một cố gắng rất lớn của Nhà nước trong việc nâng cao năng lực ngoại ngữ của dân ta nhằm phục vụ mục tiêu hội nhập.


Cho đến nay, đề án đó đã thực thi nhiều biện pháp tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao năng lực giáo viên, đặc biệt là xây dựng các chương trình đào tạo dựa vào khung trình độ năng lực ngoại ngữ thống nhất, tương thích với chuẩn tham chiếu châu Âu và xây dựng chuẩn đánh giá tiếng Anh VSTEP (Vietnamese Standadized Test of English Proficiency).


Tuy nhiên, cho đến nay, mặc dù đề án đã đi được 3/4 quãng đường, nhưng chưa thấy có một đề xuất cụ thể nào nhằm xây dựng một công cụ tiêu chuẩn hóa đánh giá tiếng Anh quốc gia.


Mọi người đều biết, để phát triển ngoại ngữ, công cụ đánh giá là rất quan trọng, do đó khiếm khuyết này của đề án ngoại ngữ quốc gia là rất đáng tiếc.


Trong cố gắng chung của đề án ngoại ngữ quốc gia 2008-2020, Đại học Quốc gia TP.HCM đã xây dựng chứng chỉ đánh giá trình độ tiếng Anh VNU-EPT (Vietnam National University - English Proficiency Test) theo chuẩn đánh giá VSTEP mà Bộ GD-ĐT ban hành. 


Để xây dựng VNU-EPT, Trung tâm khảo thí tiếng Anh đã áp dụng công nghệ dựa vào lý thuyết đánh giá hiện đại: xây dựng, thử nghiệm, phân tích từng câu hỏi, tạo các đề thi tương đương, sử dụng phần mềm thích hợp triển khai đánh giá theo cả bốn kỹ năng.


Nhờ quy trình xây dựng như vậy, chứng chỉ VNU-EPT hiện nay là một thước đo tương đối tốt, được sử dụng cho các chương trình đại học và cao học trong ĐHQG TP.HCM thay cho các chứng chỉ A, B, C trước đây.


Chất lượng của chứng chỉ VNU-EPT được các trường trong ĐHQG TP.HCM thừa nhận, chứng chỉ đó cũng đã được tiển khai đánh giá ở một số trường ĐH miền Tây và Tây Nguyên.


Đề án ngoại ngữ quốc gia 2008-2020 sẽ kết thúc vào năm 2020, nếu cùng với ĐHQG TP.HCM, Đề án ngoại ngữ đầu tư tập trung để nâng cao chất lượng của chứng chỉ VNU-EPT thì có thể biến chứng chỉ này thành chứng chỉ quốc gia đánh giá tiếng Anh.


Khi đó chứng chỉ VNU-EPT có thể được sử dụng phổ biến ở nước ta, song song với các chứng chỉ ngoại nhập được sử dụng trong một số ít trường hợp cần thiết. 


Từ góc độ công nghệ, chúng tôi thấy nước ta hoàn toàn có thể làm việc này. Chúng tôi hy vọng Bộ GD-ĐT và ĐHQG TP.HCM quyết định và chỉ đạo hoạt động rất có ý nghĩa này để đóng góp cho xu thế hội nhập quốc tế của nước ta.




GS.TSKH LÂM QUANG THIỆP (nguyên vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét