Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

Dựng nhà cho giáo viên cắm bản

Người dân địa phương dựng nhà cho giáo viên ở bản Nậm Khiên, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An - Ảnh: ĐÀO THỌ

“Giúp thầy cô cũng là giúp con cháu mình cả thôi. Thầy cô có nơi ở thì mới yên tâm dạy học cho học trò trong bản được"

Cụ Lầu Gà Rê

Điểm Trường tiểu học Nậm Khiên (bản Nậm Khiên, xã Nậm Càn) nằm sát bên con suối nhỏ nước trong leo lẻo.


“Thương thầy cô lắm”


Mới sáng sớm, từng tốp đàn ông trai tráng kéo đến ngồi đợi ở sân Trường Nậm Khiên. Thầy Nguyễn Anh Tứ cho biết: hay tin các thầy các cô tựu trường, phụ huynh và dân bản đến để giúp sửa lại cái nhà tạm cho ấy mà.


Khi mọi người đã đến đông đủ, tiếng cưa, đục bắt đầu vang lên rộn rã. Theo cô Trần Thị Thu Huyền, người dân dùng những vật liệu có sẵn trong vùng, góp lại để làm nhà tạm, còn tấm lợp thì do giáo viên góp tiền mua. Với các thầy cô, thế cũng là “tiện nghi” lắm rồi.


Thầy Tứ chỉ tay về phía ngôi nhà hai gian, mái lợp bằng lá cọ đã bay mất phân nửa sau cơn bão số 2. “Năm nào cũng vậy, tám người chúng tôi phải chen chúc nhau trong cái nhà tạm ấy. Mưa thì dột, nắng thì dọi.


Cứ mỗi lần vào hè là không tài nào ở được. Năm nay phụ huynh cùng bà con dân bản dựng lại cho cái nhà mới kiên cố hơn một chút. Thế cũng là mừng lắm rồi” - thầy Tứ ngậm ngùi nói.


Điểm Trường tiểu học Nậm Khiên năm nay có tám lớp với 128 học sinh. Trường có tám phòng học tạm ổn nhưng khu ký túc của các thầy cô hơi xập xệ.


Trưởng bản Lầu Nhìa Xồng đang huy động dân bản góp công, góp sức giúp các thầy cô sửa sang lại nơi ở, nói như phân bua: “Thương thầy cô lắm. Nhiều năm rồi cũng muốn dựng căn nhà cho đàng hoàng nhưng dân bản ta nghèo, vật liệu vận chuyển lại xa xôi nên 
đành chịu”.


“Giúp thầy cô là giúp con cháu mình”


Cụ Lầu Gà Rê năm nay đã ngoài 80, từ sáng sớm cụ đã lọm khọm chống chiếc gậy tre ra trường, đứng động viên con cháu mình dựng nhà cho thầy cô giáo.


“Giúp thầy cô cũng là giúp con cháu mình cả thôi. Thầy cô có nơi ở thì mới yên tâm dạy học cho học trò trong bản được” - cụ nói.


Ngược đường từ Nậm Càn vào xã Na Ngoi những ngày này, đến đâu chúng tôi cũng đều thấy cảnh phụ huynh tập trung sửa lại trường lớp, nhà trọ cho giáo viên cắm bản. Theo thống kê, hiện toàn huyện Kỳ Sơn còn trên 200 điểm trường tạm bợ. Đó là khó khăn chung của ngành giáo dục trên vùng rẻo cao này.


Tại bản Huồi Thum (xã Na Ngoi), anh trưởng bản trẻ Moong Văn Nhâm đưa chúng tôi đến thăm điểm trường tạm bợ nằm phía dưới con dốc. Hai dãy phòng học của trường tiểu học và mầm non ở sát nhau đều lợp bằng tranh tre nứa lá.


Anh Nhâm kể vào những ngày mưa gió, trường và phòng ở của các thầy cô thường bị dột nát. Sau cơn bão số 2 vừa qua, mấy tấm lợp bị lốc cuốn đi hết, bà con rủ nhau đến lợp lại để con em mình được tiếp tục đến lớp.


Nhiều lúc thầy cô giáo ở đây cũng lo lắng, phải di trú về nhà dân để tránh tạm dông bão. “Bản nghèo nên các thầy cô cũng chịu thiệt thòi nhiều lắm” - trưởng bản Nhâm nói.


Trong mái nhà tạm bợ, thầy Phan Thanh Hòa tâm sự: “Tôi từ huyện Con Cuông (tỉnh Nghệ An) lên đây công tác đã 16 năm và gắn bó với điểm trường này đã được 3 năm. Khó khăn nhất vẫn là đường đi đến trường, rồi kinh tế nghèo nàn nên đời sống giáo viên cũng khó khăn thiếu thốn nhiều mặt”.


Bước vào phòng ở của thầy Hòa, chúng tôi thấy kê một chiếc giường nhỏ, một chiếc bàn làm việc chung. Nhiều hôm mưa gió, căn phòng này thành nơi trú ngụ của một số giáo viên mầm non trên địa bàn.


“Đơn sơ vậy thôi, cứ xong buổi dạy là chạy về đi kiếm mớ rau nấu ăn. Cứ cuối tuần chúng tôi lại cử người cuốc bộ lên bản Phù Khả mua thêm ít trứng, ít thịt để đủ ăn cho cả tuần” - thầy Hòa cho biết.


Khó khăn, gian nan là vậy nhưng tất cả vẫn bám bản bám làng, đưa con chữ đến cho con trẻ vùng cao.


Xem thầy cô như người thân ruột thịt


Cuộc sống ở vùng cao còn nhiều khó khăn là vậy, nhưng tình người vẫn luôn lan tỏa ấm áp. Tại các điểm trường, giáo viên cắm bản luôn được bà con xem như người thân ruột thịt. Có miếng ăn ngon họ cũng không bao giờ quên các thầy cô giáo. 


Biết thầy cô vừa nghỉ hè lên trường, người bó rau, người quả dưa, quả bí mang đến tận phòng để thầy cô cải thiện bữa ăn.


Già làng Bùi Văn Tuấn ở bản Huồi Thum (xã Na Ngoi) nói bằng tiếng Kinh lơ lớ: “Dân bản no thì thầy cô cũng no, dân bản đói cũng không bao giờ để thầy cô đói”.



ĐÀO THỌ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét