Học sinh TP.HCM trong ngày tựu trường - Ảnh: DUYÊN PHAN |
"Ngay cả khi các khoản thu của nhà trường đúng mức, đúng “nghị quyết” của các cấp, thì việc thầy cô giáo trực tiếp thu tiền học sinh, đốc thúc học sinh nộp tiền vẫn là phản cảm, không đúng với chức năng dạy học của họ". |
Đến hẹn lại lên, cứ đầu năm học các thầy cô giáo chủ nhiệm lại quay cuồng với những việc có tên lẫn không tên. Trong đó khiến họ khổ sở nhất là thay mặt nhà trường thu tiền học sinh. Xin giới thiệu hai ý kiến của "người trong cuộc".
"Thầy cô gì cứ thấy mặt học trò là đòi tiền"
Lớp nộp tiền chậm sẽ bị nhắc nhở, bị trừ điểm thi đua, còn giáo viên chủ nhiệm bị phê bình, vậy nên nhiều thầy cô phải cắn răng làm người "đòi nợ" học trò.
Thủ quỹ nhà trường đưa danh sách thông báo xuống, giáo viên chủ nhiệm có nghĩa vụ nhắc nhở, đôn đốc học sinh hoàn thành các khoản nộp. Nhưng nhắc nhở nhiều lần, giáo viên chủ nhiệm có cảm giác “mất thiêng”, đôi lúc bị phụ huynh, học sinh hiểu nhầm.
Một đồng nghiệp của tôi tâm sự: "Có lần nghe các em xầm xì với nhau: Thầy cô gì cứ thấy mặt học trò là đòi tiền"mà đắng lòng. Nhưng các em nói đâu có sai".
Đọc thông tin giáo viên không phải thu, nhắc học sinh nộp tiền nữa trên báo Tuổi Trẻ, tôi tin là giáo viên chủ nhiệm ai cũng đồng tình với cách làm rất mới, rất hợp lý này của Sở GD-ĐT Khánh Hòa.
Thiết nghĩ, để đổi mới thành công, ngành giáo dục, trước hết cần tự “cởi trói” cho mình bằng những quyết định đột phá và nhân văn như thế.
Tôi mong rồi các nơi cũng sẽ như Khánh Hòa: giáo viên không phải thu tiền trực tiếp từ học sinh, mà việc này do bộ phận riêng đảm trách. Để hình ảnh người thầy không “mất thiêng” vì "điệp khúc" thu tiền học trò.
Để thầy cô được tròn vai
Làm thầy cô giáo mà phải đi thu, huy động thu tiền nong của học trò là cả nỗi khổ tâm bởi thiên chức của họ là giáo dục chữ nghĩa, đức dục, thể dục chứ đâu phải là chuyện tiền bạc, nợ nần.
Càng khổ khi phần đông học sinh chậm trễ đóng các phí khoản cho nhà trường là những em có gia cảnh khó khăn.
Vì thương học trò khó khổ và để không bị nhà trường khiển trách, nhiều thầy cô đã ứng tiền túi của mình ra đóng giùm. Số tiền ấy có khi không thể thu hồi vì không dễ và không nỡ đòi vì “con nợ” tội nghiệp quá.
Có những khoản thu ở một số trường khá lớn, có khi vượt xa quy định của ngành cấp trên, khiến giáo viên phải mướt mồ hôi vận động, nhắc nhở phụ huynh, học sinh đóng tiền.
Uy lực từ hình mẫu tư cách, đạo đức của thầy cô sẽ giảm sút khi từ bục giảng họ lại kiêm nhiệm luôn chức năng "huy động viên - thu ngân viên" với học trò của mình.
Chất lượng giáo dục tổng thể của thầy cô cũng bị ảnh hưởng vì sự “kiêm nhiệm” đáng tiếc vẫn tồn tại bao lâu nay như một “quy trình” bình thường, phổ biến.
Rất mong việc làm đúng quy chuẩn giáo dục của Sở GD-ĐT Khánh Hòa sớm được lan nhanh đến khắp mọi nơi. Đây cũng là việc góp phần chấn hưng nền giáo dục.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét