- Thông tin thi lớp 10 sẽ thay đổi vào năm sau đang khiến giáo viên, phụ huynh và học sinh tại TP.HCM xôn xao. Ông Phạm Ngọc Tiến, Phó phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM, chia sẻ với VietNamNet về những dự kiến thực hiện.
Ông Phạm Ngọc Tiến cũng là người phụ trách biên soạn đề thi lớp 10 của Sở GD-ĐT TP.HCM.
"Chúng tôi chỉ thay đổi theo lộ trình"
Thông tin từ Sở GD-ĐT cho biết kỳ thi vào lớp 10 năm tới sẽ có nhiều thay đổi. Vậy những thay đổi cụ thể là gì, thưa ông?
-Theo lộ trình trong nhiều năm qua của ngành giáo dục TP.HCM, dạy học phải tăng cường tính vận dụng thực tiễn, để học sinh thấy được việc học gắn với thực tế cuộc sống, qua đó phát triển các năng lực và đào tạo các em trong tương lai trở thành công dân tích cực, năng động. Điều này cũng phù hợp với việc thay đổi nội dung, chương trình sách giáo khoa vào năm 2018 sắp tới.
Do vậy, việc thay đổi là bước chuyển liên tục, chứ không phải chờ tới năm 2018 mới thay đổi đồng loạt, còn trước năm 2018 thì đứng yên.
Ông Phạm Ngọc Tiến, Phó phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM, người phụ trách biên soạn đề thi lớp 10 |
Đối với việc tuyển sinh vào lớp 10, trong những năm qua Sở GD-ĐT TP.HCM đã đặt ra vấn đề là thay đổi dần việc kiểm tra và thi, phối hợp với việc đổi mới phương pháp dạy học trong ngành. Vì vậy, việc thay đổi sắp tới chỉ là bước tiếp theo của quá trình này. Đó là thay đổi theo hướng vận dụng, kết hợp thông tin kiến thức của một số môn khác mà khi thực hiện sẽ không tăng tải.
Theo lộ trình của Bộ GD-ĐT, năm 2018 mới bắt đầu sử dụng sách giáo khoa mới. Tại sao Sở GD-ĐT TP.HCM triển khai việc đổi mới kỳ thi lớp 10 từ năm 2018 mà không phải sau năm 2018?
- Chúng tôi nghĩ, việc đổi mới phải từng bước, không đột ngột, cũng không chờ đợi. Cần phải có bước tiếp cận, làm quen dần cho giáo viên, học sinh.
Vì vậy, Sở đặt ra vấn đề có sự thay đổi dần chứ không thay đổi hoàn toàn. Việc đổi mới kỳ thi này là thay đổi phương pháp tiếp cận ở một mức độ nào đó để học sinh quen dần, còn vẫn giữ nguyên khung và cấu trúc của bài thi như cũ.
Nhưng chúng tôi cũng nhấn mạnh việc thay đổi những kiến thức vận dụng thực tiễn sẽ nhẹ nhàng hơn về mặt kiến thức, tư duy, để việc học gắn với cuộc sống chứ không phải học những điều mà sau này thực tế cuộc sống không bao giờ sử dụng.
Các môn thi vào lớp 10 vẫn giữ nguyên ba môn Toán - Ngữ Văn - tiếng Anh (lớp chuyên có thêm môn chuyên) hay có sự thay đổi nào không thưa ông?
- Theo quy định, thi lớp 10 chỉ có 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ Văn, môn thứ 3 do từng địa phương quyết định chọn lựa. Trong những năm qua, TP.HCM chọn môn thứ ba là Ngoại ngữ.
TP.HCM xác định cùng với môn Ngữ văn và Toán, môn Ngoại ngữ là một môn học công cụ. Đồng thời, với vai trò và vị trí của TP.HCM, yếu tố về ngoại ngữ là một điều quan trọng, do vậy Ngoại ngữ là một môn mà TP.HCM sẽ chú trọng. Riêng các môn học khác sắp tới cũng sẽ tích hợp những kiến thức quan trọng vào hai môn Toán và Ngữ văn.
80% là kiến thức vận dụng cuộc sống
Đề các môn thi sẽ thay đổi như thế nào, để kỳ thi lớp 10 tuyển chọn được những học sinh không chỉ có kiến thức thuần túy mà có cả kỹ năng cần thiết phục vụ việc phân luồng sau phổ thông, thưa ông?
- Đề thi vẫn có phân hóa. Riêng môn Toán, 80% là các bài toán vận dụng, 20% là các bài toán tư duy để phân hóa học sinh có năng lực học sinh. Nhưng đây là kỳ tuyển sinh nên cơ bản vẫn sẽ chú trọng tỷ lệ tuyển sinh vào các trường công lập đảm bảo trên 70% số học sinh dự thi. Vì vậy, sự căng thẳng trong tuyển sinh là không cao lắm.
Môn Ngữ văn sẽ đặt vấn đề học tập, việc hình thành cách học và bình luận một tác phẩm nghị luận xã hội hoặc nghị luận văn học, cách làm bài như thế nào. Các yếu tố về ngữ liệu sẽ được đưa vào nhiều hơn, học sinh cũng có thể sử dụng ngữ liệu cho đề thi ngoài sách giáo khoa.
Thưa ông, việc thay đổi kỳ thi lớp 10 của TP.HCM có phải để phù hợp với bộ sách giáo khoa TP.HCM biên soạn sắp tới không?
- Việc này không liên quan gì tới bộ sách giáo khoa mà TP.HCM sẽ biên soạn. Đây là thay đổi theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT về cách dạy và học trong nhà trường gắn với thực tiễn và vận dụng cao hơn. Chúng tôi cho rằng dù sử dụng bộ sách nào thì đây vẫn là yêu cầu chung cho tinh thần bộ sách giáo khoa mới.
Học sinh TP.HCM (Ảnh:Đinh Quang Tuấn) |
Năm học mới vừa bắt đầu thì những thông tin về thi cử lại rộ lên khiến phụ huynh quan tâm, lo lắng. Có phải, Sở muốn phụ huynh và học sinh có sự chuẩn bị sớm trong việc học để đáp ứng thay đổi trong thi cử?
- Tôi nghĩ việc chuẩn bị không cần đầu tư nhiều. Các em vẫn học hành bình thường như mọi năm, vì việc thay đổi về phương pháp dạy và học đã triển khai ở các trường trong thời gian qua. Thậm chí, những kiến thức cao siêu, phức tạp các em không cần chú trọng nhiều như những năm trước. Việc thay đổi trong thi cử, kiểm tra chỉ để khẳng định xu hướng tiếp cận với thực tiễn cuộc sống trong học tập.
Nhưng chúng tôi đòi hỏi các em phải quan tâm, tiếp cận, tìm hiểu những vấn đề xã hội để tham gia các hoạt động xã hội, thậm chí là các hoạt động thể dục thể thao. Việc quan tâm này trước mắt để các em tích lũy những kiến thức cơ bản cho thi cử, có cảm nhận thông tin, đáp ứng cho các kỳ thi, nhưng về lâu dài để chuẩn bị cho các em trở thành một công dân toàn diện và thích ứng cao trong cuộc sống.
Việc thay đổi trong kỳ thi này được Sở triển khai như thế nào để phổ biến cho học sinh và giáo viên ?
- Chỉ đạo dạy học gắn với thực tiễn đã thực hiện trong các năm qua, nhưng năm nay chúng tôi tiếp tục yêu cầu học sinh, giáo viên quan tâm hơn trong việc dạy học, lồng ghép kiến thức vận dụng trong cuộc sống.
Chúng tôi cũng có các hướng dẫn chi tiết trong hoạt động bộ môn đầu năm về cấu trúc, nội dung minh họa cho đề thi.
Trước sự hoang mang của học sinh và phụ huynh về thông tin "thay đổi thi lớp 10", ông có chia sẻ gì không?
- Tôi khuyên phụ huynh không nên lo lắng, vì việc này đã thay đổi trong thời gian qua và giáo viên, học sinh đã nắm rõ.
Tôi muốn nói với phụ huynh, học sinh rằng chỉ nên học những kiến thức nền, căn bản trong trường, quan tâm tới việc học để hiểu chứ không phải học tủ, học các bài toán một cách máy móc.
Mặt khác, các em cần quan tâm tới xã hội, tới cuộc sống, tới việc việc vận dụng cuộc sống vào việc học. Điều quan trọng phải quan tâm tới việc tự học, biến nhưng điều thầy cô giảng thành năng lực riêng của mình thì sẽ đáp ứng được yêu cầu của thi cử.
Xin cảm ơn ông!
Tuệ Minh (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét