Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

Chấn chỉnh tình trạng giáo án hình thức, đối phó


Chấn chỉnh tình trạng giáo án hình thức, đối phó




GD&TĐ - Trong văn bản về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông năm học 2017-2018, Sở GD&ĐT Thái Nguyên đã chỉ rõ những hạn chế và nội dung cần rút kinh nghiệm về kế hoạch dạy học/giáo án của giáo viên.


Trong đó ghi rõ, giáo viên có kế hoạch dạy học/giáo án nhưng còn nhiều hạn chế như: chưa chuẩn về kiến thức, chưa xây dựng được hệ thống câu hỏi hợp lý, chưa có sự phân hóa cao, các dạng bài, kiểu bài chưa đa dạng; đề cương, hệ thống câu hỏi và bài tập thiếu đáp án,…


Để xảy ra những hiện tượng trên là do giáo viên chưa đầu tư nhiều thời gian và công sức, còn hiện tượng sao chép tư liệu trên mạng Internet mà không chỉnh sửa, chưa điều chỉnh nội dung dạy học theo yêu cầu của bộ môn…


Cá biệt có những kế hoạch dạy học/giáo án của giáo viên mang tính hình thức, đối phó để kiểm tra nên sao chép giống nhau hoàn toàn, thậm chí in hoặc photo giống nhau từ trang bìa chỉ thay đổi tên.


Một số nội dung trong giáo án không đảm bảo tính khoa khọc, chưa bám sát CT, SGK và chuẩn kiến thức, kỹ năng, điều chỉnh nội dung dạy học mà phụ thuộc vào các tài liệu tham khảo.


Nội dung giáo án nặng về cung cấp kiến thức mà chưa quan tâm tới việc rèn luyện kỹ năng cho học sinh đặc biệt là với nhóm học sinh học yếu.


Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị phải chủ động hơn trong xây dựng Chương trình trường, cụ thể các nội dung công việc cần được thực hiện trong năm học đến từng tổ/nhóm chuyên môn.


Từng tổ/nhóm chuyên môn phải cụ thể hóa công việc của mỗi giáo viên. Kế hoạch dạy học/giáo án, đặc biệt kế hoạch ôn tập cho học sinh lớp 12 phải xuất phát từ các điều kiện thực tế của đơn vị để từ đó đảm bảo tính khả thi của kế hoạch.


Lãnh đạo các đơn vị cần tăng cường các biện pháp chỉ đạo, kiểm tra, phê duyệt và chịu trách nhiệm về kế hoạch, đề cương, giáo án của các tổ, nhóm chuyên môn và của các từng giáo viên. Thực hiện đúng việc phân cấp quản lý theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT.


Từ đó có thể kiểm soát được chất lượng hồ sơ, kế hoạch dạy học/giáo án của các tổ chuyên môn và của giáo viên. Tránh hình thức và đối phó. Tăng cường việc đi dự giờ của giáo viên để kịp thời có những bổ sung, điều chỉnh hợp lí từ đó đảm bảo việc dạy và học hiệu quả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét