Thứ Ba, 29 tháng 8, 2017

Đổi mới chương trình môn Ngữ văn: Thống nhất từ lớp 1 đến lớp 12


Đổi mới chương trình môn Ngữ văn: Thống nhất từ lớp 1 đến lớp 12




GD&TĐ - Cũng như các bộ môn khác trong chương trình mới, môn Ngữ văn sẽ đổi mới toàn diện từ mục tiêu, nội dung, cách xây dựng chương trình cho tới phương pháp giảng dạy và phương pháp kiểm tra đánh giá. Cách đổi mới toàn diện này nhằm hướng tới hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh.


“Lộ trình” đổi mới bộ môn


Về mục tiêu môn học, điểm khác biệt lớn nhất của chương trình lần này chính là coi trọng năng lực giao tiếp (với 4 kỹ năng chính là đọc, viết, nói và nghe).


Thông qua việc hình thành và phát triển năng lực giao tiếp sẽ bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách và khả năng sáng tạo văn học của HS, đồng thời góp phần phát triển các năng lực khác như năng lực thẩm mỹ, năng lực tự chủ, năng lực giải quyết vấn đề sáng tạo… mà chương trình tổng thể đã đề ra.


Trong đó, năng lực giao tiếp ngôn ngữ là trục tích hợp để xây dựng xuyên suốt cả 3 cấp học. Đối với kỹ năng đọc, GV cần chú ý đến khả năng hiểu đúng nội dung, chủ đề của văn bản, quan điểm và ý định của người viết.


Người dạy giúp HS có thêm “tay nghề” nắm đặc trưng thể loại, trả lời đúng câu hỏi với từng cấp độ khác nhau. Muốn vậy không còn cách nào hơn, GV cần trao đổi tương tác với HS để hiểu được cách thức các em tạo nghĩa.


Cách làm này còn giúp GV “hộ tống” từng em để có những lời khuyên thích hợp giúp HS đọc hiệu quả hơn. Thông qua kỹ năng đọc để kết hợp đánh giá kỹ năng viết, từ đó hướng tới đánh giá kỹ năng phân tích bàn luận về một đề tài cụ thể.


Đây là kỹ năng quan trọng vì sử dụng thường xuyên trong các giờ kiểm tra và kỳ thi. Cuối cùng là đánh giá kỹ năng tạo lập văn bản đáp ứng một nhu cầu cụ thể như viết báo cáo, viết thư, làm quảng cáo… ứng dụng được trong đời sống thực tế.


Rèn luyện kỹ năng nói cho HS, GV cần chú ý đến khả năng tập trung vào chủ đề và mục tiêu. Xây dựng sự tự tin, làm chủ và năng động của người nói trong những ngữ cảnh giao tiếp khác nhau. Rèn luyện kỹ năng nghe là giúp HS nắm bắt được nội dung thông tin và quan điểm của người nói.


PGS-TS Đỗ Ngọc Thống – Viện Khoa học GD Việt Nam khẳng định, đổi mới chương trình không có nghĩa là làm lại từ đầu mà phải kế thừa và phát triển những ưu điểm của chương trình hiện hành.


Để đạt được mục tiêu này, việc xây dựng chương trình được tiến hành theo một quy trình khác cách làm truyền thống. Trước hết cần xác định HS cần đạt hay cần có những phẩm chất và năng lực gì từ môn học này.


Ngoài mặt hạn chế, cần tìm ra những ưu điểm vượt trội của người học để phát huy tính tích cực của HS và khơi dậy niềm hứng thú học tập bộ môn Ngữ văn. Từ các yêu cầu cần đạt này mới xác định những nội dung cần dạy. Không dạy những gì SGK và GV có mà phải dạy những gì kiến thức HS chưa đủ để tìm cách “lấp chỗ trống” chứ không phải nhồi nhét kiến thức một cách bội thực.


“Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, dạy tri thức cần thiết chứ không phải đưa vào bộ nhớ các em những gì mà người dạy có. Như thế, chỉ có những kiến thức giúp cho việc phát triển năng lực có hiệu quả mới được lựa chọn đưa vào chương trình Ngữ văn mới. Nắm được nguyên tắc này thì những bài học đưa vào chương trình không giẫm đạp lên nhau mà có một mạch thông suốt, tinh lọc và có tính ứng dụng cao.


Theo dự kiến chung, chương trình sẽ được xây dựng thống nhất từ lớp 1 cho tới lớp 12 chứ không tách làm 3 cấp như trước đây. Cách làm này sẽ tránh được nhược điểm là kiến thức chồng chéo, trùng lắp như trong chương trình trước.


Ví dụ, ở THCS, HS đã học bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu), lên lớp 11 cấp THPT cũng phải học lại dù không có gì mới; Bài cáo Bình Ngô học ở chương trình lớp 10, nhưng ở cấp THCS cũng đã được phân tích kỹ. Còn nhiều văn bản đều có chung số phận như vậy. Rất khó thúc đẩy được sức sáng tạo của người dạy và “dập tắt” được nỗi nhàm chán của người học.


Về nội dung, theo ý kiến các chuyên gia, chương trình sẽ không tổ chức theo trục lịch sử văn học hay kiểu văn bản như chương trình THCS và THPT hiện hành.


Tất cả kiến thức được chọn đều nhằm hướng tới mục tiêu hình thành năng lực giao tiếp cho học sinh, trong đó đặc biệt chú trọng tới chủ thể người học và khả năng ứng dụng tri thức ngữ văn vào cuộc sống.


Các kiến thức văn học, tiếng Việt sẽ tích hợp thông qua các kỹ năng đọc, viết, nói, nghe và phục vụ cho các kỹ năng này. Có thể đây là cách khắc phục được tình trạng các lớp dưới phải học các tác phẩm văn học cổ, văn học trung đại vốn là những kiến thức trừu tượng và cách xa với thời đại các em đang sống nên rất khó tiếp thu.


Bên cạnh đó, chương trình cũng sẽ được xây dựng theo hướng mở, bảo đảm tính linh hoạt, mềm dẻo bằng cách chỉ quy định một số nội dung cốt lõi và một số tác phẩm bắt buộc, còn lại đưa ra một danh sách gợi ý để các tác giả SGK và GV tự chọn sao cho phù hợp với điều kiện và đối tượng người học, phát huy được sự sáng tạo.


Cách làm này cũng tránh được sự áp đặt, thiếu “hành lang pháp lý” để cho người dạy và người học mất đi quyền linh hoạt và sự sáng tạo trong quá trình trao và nhận tri thức.


Theo dự kiến về phương pháp giảng dạy, môn Ngữ văn sẽ chuyển từ việc GV giảng về tác phẩm là chính sang việc GV trở thành người tổ chức, hướng dẫn học sinh đọc tác phẩm là chính để học sinh biết cách đọc và có thể tự đọc.


Cách làm này hạn chế tình trạng GV “cầm tay chỉ việc” cho HS trong các bài học. Người dạy có thể lui về hậu trường bục giảng để HS là người tự điều khiển và cả thiết kế bài học ở mức độ cho phép trên tinh thần lấy HS làm trung tâm.


Nói cách khác, thay vì GV giảng cho HS về các tác phẩm thì với chương trình môn Ngữ văn mới, GV chỉ trang bị cho học sinh phương pháp tiếp cận tác phẩm thông qua ngữ liệu mẫu. Đây sẽ là một yêu cầu mới về phương pháp giảng dạy đối với môn Ngữ văn.


Một tiết học văn theo phương pháp đổi mới tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM

Xác định yêu cầu đổi mới


Theo TS Đỗ Ngọc Thống, để thống nhất và đáp ứng yêu cầu giáo dục của môn học, chương trình nêu lên các yêu cầu của việc lựa chọn văn bản tác phẩm, cụ thể là:


- Phục vụ trực tiếp cho việc phát triển các phẩm chất và năng lực, trước hết là năng lực giao tiếp (đọc, viết, nghe và nói) của học sinh. Đây chính là mục tiêu và nội dung của đổi mới phương pháp giảng dạy môn Ngữ văn.


- Phù hợp với đối tượng học sinh ở từng lớp học, cấp học. Không quá khó nhưng cũng không quá dễ, quá quen thuộc.


- Có giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật. Đây là đòi hỏi đầu tiên của một văn bản khi được đưa vào chương trình mới.


- Chú trọng các ngữ liệu phản ánh được thành tựu về tư tưởng, văn học, văn hóa dân tộc và nhân loại. Không chỉ thể hiện tính điển hình mà còn mang dáng dấp của thời đại và lịch sử.


- Xét trên tổng thể, chú ý bảo đảm sự cân đối tương đối giữa các thể loại, vùng miền, khu vực và các thời đại. Sự cân đối của tác phẩm giúp cho người học có cái nhìn bao quát, toàn diện và đầy đủ hơn.


- Độ khó của các văn bản đọc tăng dần qua từng năm học. Số lượng văn bản, tác phẩm cần dạy không nhiều để dạy kỹ, sâu và giúp học sinh có cơ hội đọc trực tiếp và trọn vẹn những tác phẩm được chọn học. Điều này phù hợp với trình độ tiếp thu, tâm lý lứa tuổi người học.


- Đánh giá học sinh qua “sản phẩm” đọc, viết, nói và nghe. Tính ứng dụng đạt hiệu quả cao trong quá trình tiếp nhận tri thức. Làm được gì sau khi học chứ không phải nhận được gì sau khi học.


Trong chương trình mới, phương pháp kiểm tra đánh giá đối với môn Ngữ văn sẽ thay đổi theo hướng đánh giá đúng được năng lực Ngữ văn của học sinh. Mục tiêu của việc đánh giá sẽ được điều chỉnh theo hướng trước hết là giúp GV và nhà trường nắm được năng lực của từng HS, biết được HS của mình đang ở đâu và tiến bộ như thế nào qua từng giai đoạn, sau đó mới nhằm đến việc cho điểm để xếp loại, khích lệ, khen thưởng.


Hình thức và nội dung đánh giá là tất cả những cách thức có thể phục vụ cho việc đánh giá năng lực đọc, viết, nói, nghe, năng lực ngôn ngữ, năng lực tư duy của học sinh. Thậm chí, cách viết nhật ký, sổ tay văn học, facebook của học sinh cũng có thể là một “sản phẩm” để xem xét, đánh giá.


Các câu hỏi đánh giá không kiểm tra trí nhớ của các em về những kiến thức hay nội dung cụ thể mà phải dựa vào hệ thống các yêu cầu cần đạt đối với đọc, viết, nói và nghe.


Đề kiểm tra cũng sẽ hướng tới việc coi trọng sự sáng tạo từ ý tưởng đến cách thể hiện, chống sao chép (văn mẫu), không kiểm tra vào các văn bản, tác phẩm đã học (nhất là với các kỳ kiểm tra cuối lớp, cuối cấp) mà kiểm tra những văn bản-tác phẩm tương tự nhưng chưa được học để khuyến khích khả năng sáng tạo của học sinh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét