Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2017

Tranh cãi việc học sinh phải tập luyện cho khai giảng



Thứ sáu, 1/9/2017 | 11:38 GMT+7

|


Thứ sáu, 1/9/2017 | 11:38 GMT+7


Tranh cãi việc học sinh phải tập luyện cho khai giảng


Trong khi nhiều người lên tiếng ủng hộ việc học sinh cần tập luyện để có một buổi khai giảng thành công, một số khác lại phản đối.





Câu hỏi ý nghĩa ngày khai giảng và lý do học sinh liên tục phải đến trường tập luyện của độc giả Nguyễn Văn Huy (Thái Nguyên) gửi tới VnExpress ngày 31/8 đã làm dấy lên nhiều tranh luận.


Anh Huy cho biết những ngày này trường của con anh liên tục yêu cầu học sinh đến tập duyệt khai giảng. Học sinh lớp 1 phải tập cầm hoa đi qua sân khấu chính và vẫy chào đại biểu, các bạn trong đội văn nghệ phải tập múa hát nhuần nhuyễn. Rất nhiều trường đang trong tình trạng tương tự khiến anh Huy băn khoăn "phải chăng tập luyện khai giảng chỉ để đón các đại biểu”?


Tập luyện trước làm "mất ý nghĩa ngày khai giảng"


Chia sẻ băn khoăn với anh Huy, nhiều người cho rằng việc tập luyện cho khai giảng làm mất ý nghĩa của ngày hội trường, khiến học sinh không còn cảm giác hồi hộp chờ đợi một sự kiện quan trọng trong đời. 


“Khai giảng phải là ngày đầu tiên bước vào năm học mới với sự háo hức của trẻ thơ, là mốc đánh dấu quan trọng. Việc học trước khai giảng và tập luyện vì nhiều mục đích đã làm hỏng đi ý nghĩa của ngày này. Thay vào đó, cả học sinh và phụ huynh đều mệt mỏi”, một độc giả viết.


Phụ huynh tên Thúy chia sẻ hồi nhỏ mong chờ ngày khai giảng vì được gặp lại thầy cô, bạn bè sau ba tháng nghỉ hè, nhưng bây giờ các con chị "rất sợ ngày này vì phải tập luyện nhiều và ngồi dự lễ dưới trời nắng gắt, mồ hôi nhễ nhại”.


Nhiều người không đồng tình việc học sinh phải tập luyện nhiều để chuẩn bị cho khai giảng. Ảnh minh họa: Q.Đ

Từng trải qua thời gian tập luyện mướt mồ hôi cho ngày khai giảng, nhưng không đọng lại được gì, độc giả tên Trung đề xuất: “Hãy để lễ khai giảng thực sự là của trẻ. Hãy hỏi trẻ xem chúng muốn gì và tìm cách tổ chức để chúng thấy vui và đáng nhớ, chứ không nên ép trẻ vào những gì người lớn tưởng hay ho”.


Không chỉ trẻ mệt, phụ huynh cũng gặp khó khi phải đưa đón trẻ đi tập luyện khai giảng. Thời gian tập 2-3 tiếng, trẻ ra về đúng vào giờ làm việc, buộc bố mẹ phải trốn việc đón con, số khác phải thuê người đón. Có gia đình lên kế hoạch đi chơi xa trong dịp nghỉ lễ 2/9, nhưng lại vướng lịch tập khai giảng của con.


"Không tập thì e cô giáo bảo chống đối, trong năm học lại gây khó dễ cho con; tập khai giảng thì con lại mất cơ hội được đi du lịch xa với gia đình, được khám phá nhiều điều mới mẻ", một phụ huynh trăn trở.


Nhưng nếu không tập luyện, khai giảng sẽ là "cái chợ" 


Trái ngược với quan điểm trên, anh Nguyễn Hoàn ủng hộ việc tập luyện cho khai giảng và chỉ ra bốn mục đích. Thứ nhất là tập cho các em tính kỷ luật, đưa vào khuôn khổ sau nhiều ngày không sinh hoạt tập thể. Thứ hai là gắn kết các em. Thứ ba, giáo viên mới nhận lớp có thời gian tìm hiểu tính cách từng học sinh. Thứ tư là giúp các em làm nóng mình sau ngày dài nghỉ ngơi.


Chị Hoàng Xuân Thi cho rằng khai giảng sẽ như "cái chợ" nếu học sinh không tập dượt, "thầy cô nói mặc thầy cô, các em làm việc riêng mặc các em". Khi giới thiệu đại biểu, chỉ có ít tiếng vỗ tay sẽ đem lại cảm giác thiếu tôn trọng cho người tham dự. Ngoài ra, tập khai giảng không phải chỉ để chào đón đại biểu mà còn tập cho học sinh tính kiên nhẫn, tôn trọng người khác và tinh thần tập thể. 


“Tôi muốn nhấn mạnh việc tập dượt này thường diễn ra ở các trường tiểu học và THCS, còn cấp THPT rất ít, thậm chí không có. Học sinh cấp dưới còn nhỏ, mau quên. Nếu các em không được tập dượt, buổi khai giảng không chắc sẽ thành công”, chị Thi nói. 


Phụ huynh này cũng cho rằng cha mẹ cần cho con thấy được tầm quan trọng của việc đón ngày khai giảng. Đó không chỉ là ngày mở đầu cho năm học mới mà còn là ngày đánh dấu các em trưởng thành hơn ngày hôm qua. 


Nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường tổ chức lễ khai giảng ngắn gọn, ý nghĩa, tránh gây mệt mỏi cho học sinh. Ảnh minh họa: Giang Huy

Bộ Giáo dục: Lễ khai giảng phải ngắn gọn, ý nghĩa 


Ngày khai giảng đầu tiên của nước Việt Nam độc lập diễn ra vào 5/9/1945. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi toàn thể học sinh: “Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp, tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy gặp bạn”.


Mấy chục năm sau đó, khai giảng thường là ngày 5/9, cũng là ngày tựu trường của học sinh sau 3 tháng nghỉ hè. Với sự xuất hiện của hệ thống trường ngoài công lập, hơn chục năm gần đây, thời điểm tựu trường sớm (thường từ tháng 8) nên ngày khai giảng 5/9 đã không còn ý nghĩa "mở đầu một năm học mới", và mất dần sự háo hức chờ đợi của cả học sinh, phụ huynh. 


Để lễ khai giảng thực sự ý nghĩa, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi các địa phương chỉ rõ khai giảng gồm hai phần: Phần lễ được tổ chức ngắn gọn nhưng đảm bảo trang nghiêm với các nghi thức: chào cờ, hát Quốc ca (không dùng băng lời bài hát), đọc thư của Chủ tịch nước… Phần hội gồm các hoạt động vui chơi tập thể, ấn tượng để ngày khai trường là một ngày trọng đại với tất cả học sinh, nhất là những em lần đầu đến trường.


Hà Nội đã chỉ đạo các trường thống nhất tổ chức lễ khai giảng vào ngày 5/9, chỉ kéo dài một tiếng, bảo đảm đơn giản, tiết kiệm. TP HCM yêu cầu các trường tổ chức khai giảng thống nhất bắt đầu từ 7h30 ngày 5/9. Diễn văn khai giảng của hiệu trưởng nhà trường phải ngắn gọn, không được đọc báo cáo thành tích. 



Dương Tâm |








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét